THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:30

JICA tài trợ hơn 4,1 tỷ đồng cho Quảng Nam xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường

 

Cụ thể, ngày 7/8 Đoàn cán bộ, chuyên gia thành phố Minamiboso và đại diện JICA Tokyo đã đến khảo sát, làm việc tại Quảng Nam trong khuôn khổ dự án“Phát triển kinh tế địa phương nhờ đẩy mạnh khâu chế biến, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp với điểm xuất phát là Trạm dừng nghỉ đường bộ” do JICA tài trợ.
Các chuyên gia Nhật Bản tham gia khảo sát, nhằm phát triển sản phẩm mới thông qua đánh giá, thảo luận về các sản phẩm đã được chế tác thử nghiệm, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường mới
Dự án được triển khai từ tháng 4/2013 tại các huyện Thăng Bình, Tiên Phước, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An. JICA đã tài trợ hơn 4,1 tỷ đồng và ủy nhiệm cho thành phố Minamiboso thực hiện dự án này. Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống cho nông dân và nghệ nhân làng nghề truyền thống, cải thiện môi trường sống khu vực nông thôn.
Dự án đã hỗ trợ trang bị máy sấy bánh tráng cho Tổ hợp tác Hương Huệ (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình); thiết lập cửa hàng bán rau sạch ở thành phố Tam Kỳ cho Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình); hỗ trợ trang thiết bị phục vụ làng nghề trầm hương của huyện Tiên Phước; thiết lập quầy giới thiệu, bán hàng thủ công mỹ nghệ, quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa Quảng Nam tại trạm dừng nghỉ Bình An trên tuyến Quốc lộ 1A... 
Năm 2015 - năm cuối thực hiện dự án này, JICA tiếp tục hỗ trợ xây dựng bản đồ du lịch Quảng Nam, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại thành phố Đà Lạt…
Tại buổi làm việc, ông Simada Mamoru, Phó Thị trưởng thành phố Minamiboso cho biết: JICA đã thống nhất tài trợ tiếp cho tỉnh Quảng Nam một dự án mới trong 3 năm (2016-2019). Hiện nay, tỉnh Quảng Nam cùng cán bộ chuyên gia thành phố Minamiboso dự thảo và chuẩn bị ký kết bản ghi nhớ dự án mới.
Dự án này sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, đơn vị tham gia dự án “Phát triển kinh tế địa phương nhờ phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ lấy trọng tâm là Trạm dừng nghỉ đường bộ” phát huy kết quả đã đạt được, tạo dựng thương hiệu; liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh; hỗ trợ các làng nghề nghiên cứu vận dụng mô hình “mỗi làng nghề một sản phẩm” vào thực tế các vùng miền ở Quảng Nam.

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh