CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:26

IS bắt trẻ em sản xuất đồng phục cho chiến binh

 

Hàng chục trẻ em tị nạn Syria làm việc tại xưởng sản xuất quần áo cung cấp cho các tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những công nhân tuổi “teen”

Abu Zakour, 35 tuổi, hiện là người sở hữu cửa hàng may ba lô, đồng phục cùng nhiều vật dụng khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho thị trường Syria và thường điểm đến cuối cùng là trong tay của IS. Khi được hỏi về việc sản xuất, bán đồng phục cho IS có phải là hành động tiếp tay cho khủng bố hay không, Abu Zakour nói rằng, anh là người kinh doanh và không quan trọng khách hàng đến từ đâu.

Vê điếu thuốc trên tay, Abu Zakour thẳng thắn nói, “tôi không phải là nhà tư tưởng cách mạng hay một người ủng hộ IS, tôi chỉ đơn giản là người kinh doanh. Ngoài IS, cửa hàng chúng tôi còn cung cấp trang phục cho nhóm Al Qaeda ở Syria - Jabhat al-Nusra, Ahrar al-Sham... Bên cạnh quần áo, chúng tôi còn cung cấp ống nhòm, dao bỏ túi, găng tay...”.

Trong xưởng sản xuất của Abu Zakour, một vài đứa trẻ người Syria đang say sưa làm việc dưới tầng 1 và trên tầng. Các em được trả 40 lira Thổ Nhĩ Kỳ/ngày (khoảng 10 bảng Anh) để thực hiện các quy trình may mặc như khâu, đo, cắt nguyên liệu. Từ các nguyên liệu này, những người khác sẽ tiến hành may thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó vận chuyển qua biên giới cho các nhóm nổi dậy.

“Bọn trẻ làm việc trong xưởng của tôi cũng có thể đi đến trường nhưng cha mẹ muốn chúng kiếm tiền. Họ cần tiền và công việc này có thể giúp họ. Nếu không có chiến tranh ở Syria, bọn trẻ có thể sẽ được đi học. Lương cao hay thấp phụ thuộc vào khả năng làm việc của từng người. Có gia đình đưa con rất nhỏ đến đây xin việc làm và tôi rất khó để nói “không”. Cả hai đều được hưởng lợi từ việc này. Bây giờ, bọn trẻ làm việc để có tiền tồn tại nhưng có thể, một ngày nào đó bọn trẻ sẽ sử dụng những kỹ năng đã trải qua để học cách trở thành thợ may chính hiệu”, Abu Zakour nói với phóng viên MailOnline tại văn phòng cửa hàng ở thị trấn biên giới Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Abu Zakour, từ lâu, IS đã sử dụng những loại trang phục có phong cách khác nhau để phân biệt các đơn vị, tuy nhiên, dù là trang phục nào thì màu chủ đạo vẫn là màu đen. “Trong khi các chiến binh của nhóm Ahrar al-Sham thích đồng phục có màu nâu sáng, nhóm Jabhat al-Nusra thích màu xanh quân đội thì IS thích những bộ quần áo mang phong cách Afghanistan. Ngoài ra, cũng có khách hàng thích quần áo theo phong cách quân đội Mỹ, quân đội Nga hay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trang phục giống như quân đội Mỹ cũng được nhiều khách hàng lẻ ưa thích. Có khách hàng mang cả mẫu trang phục quân đội Mỹ đến xưởng và công việc của chúng tôi là sao chép lại những mẫu trang phục này”, Abu Zakour cho biết.

Vất vả mưu sinh nơi đất khách

Ứớc tính, có khoảng 2,7 triệu người tị nạn Syria đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia có số dân tị nạn cao nhất thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng 25 trại tị nạn nhằm bảo vệ tạm thời cho người dân Syria, với khoảng 25.000 người sống trong các trại tị nạn. Tuy nhiên, đây chỉ là “muối bỏ bể” bởi số lượng người tị nạn sống rải rác bên ngoài, trong các thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 80% trẻ em Syria sống tại Thổ Nhĩ Kỳ không đi học, 1/2 trẻ em Syria không được đến trường. Nhiều trẻ em Syria không thể theo học tại các trường công lập ở Thổ Nhĩ Kỳ vì rào cản ngôn ngữ hoặc sợ bị bắt nạt. “Mặc dù các trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ đều miễn học phí nhưng một số gia đình quá nghèo, không có tiền chi trả những khoản phụ trợ khác để con em được đến trường. Bên cạnh đó, có trẻ em là trụ cột kiếm tiền của gia đình nên phải ra ngoài tìm việc làm”, một chuyên gia của UNICEF nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một số biện pháp tích cực nhằm khuyến khích trẻ em Syria có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục chính thức như chấp nhận các “trung tâm giáo dục tạm thời”, cung cấp chương trình học bằng tiếng Ả rập... Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh