CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Nô lệ tình dục IS: Không còn cơ hội trở về!


 


Cô gái bị rao bán như một món hàng cùng các loại thú cưng, vũ khí... Những thông tin này do một nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng người thiểu số Yazidi, chia sẻ với trang tin AP. Phụ nữ và trẻ em tại đây luôn phải đối mặt với nguy cơ bị những phần tử cực đoan bắt giữ và bán làm nô lệ tình dục.

Kể từ khi mất dần các vùng lãnh thổ trong vương quốc Hồi giáo tự xưng, IS bắt đầu thắt chặt kiểm soát với khoảng 3.000 phụ nữ và bé gái bị bắt làm nô lệ tình dục. Như một sự kết hợp giữa những hành động cổ xưa man rợ và công nghệ hiện đại, IS rao bán phụ nữ không khác gì món hàng bằng các ứng dụng điện thoại thông minh và chia sẻ dữ liệu có chứa hình ảnh và tên tuổi của nạn nhân cho “chủ sở hữu” của họ để ngăn chặn việc họ trốn thoát khỏi các trạm kiểm soát dày đặc của chúng. Nguồn tiền để mua lại những người phụ nữ và giải cứu họ khỏi kiếp nô lệ đang dần cạn kiệt và IS luôn tìm cách giết hại những kẻ buôn người tìm cách giải cứu các con tin.

 

Trang phục của một cô gái Yazidi được giải cứu khỏi tay IS

Hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em Yazidi bị bắt làm tù nhân vào tháng 8/2014, khi các tay súng IS tràn vào ngôi làng của họ ở phía bắc Iraq với mục đích tiêu diệt cộng đồng người Kurd vì một sứ mệnh tôn giáo phi lý. 

Kể từ đó, những kẻ buôn lậu Ả Rập và Kurd dự định giải thoát trung bình 134 người mỗi tháng - phần lớn với mục đích kiếm lợi từ gia đình họ. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, kể từ khi IS siết chặt kiểm soát, con số đã giảm xuống còn 39 người trong vòng 6 tuần – theo các số liệu được cung cấp bởi chính quyền địa phương người Kurd.

Mirza Danai, người sáng lập quỹ người Đức – Iraq Luftbrucke Irak, cho biết trong vòng 2-3 tháng trở lại đây, việc trốn thoát khỏi tay IS ngày càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

“Chúng ghi chép và lưu trữ thông tin của mỗi nô lệ, mỗi người nằm trong tay chúng. Do đó, nếu cô ấy may mắn trốn thoát, mọi lực lượng và trạm kiểm soát của chúng sẽ biết điều đó”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ cảm thấy sốc trước những báo cáo đáng tin cậy về các hoạt động buôn người và đặc biệt là nô lệ tình dục của IS. “Những hành động phi nhân tính này cho thấy IS coi rẻ mạng sống con người và quay lưng lại với đức tin Hồi giáo”.

Lamiya Aji Bashar đã từng thất bại 4 lần trước khi bỏ trốn thành công khỏi sự truy đuổi ráo riết của các tay súng IS và đặt chân tới lãnh thổ do chính phủ kiểm soát vào tháng 3/2016. Một quả mìn phát nổ đã giết chết những người đồng hành cùng cô – một bé gái 8 tuổi tên Almas và Katherine, 20 tuổi. Cô còn chưa kịp biết tên đầy đủ của họ. Vụ nổ cũng khiến mắt phải của Lamiya bị mù và gương mặt cô chằng chịt các vết sẹo. Nhưng cô là một trong số những người ít ỏi may mắn sống sót.

Cô gái 18 tuổi chia sẻ: “Nhờ Chúa, cuối cùng tôi đã thoát khỏi tay những kẻ chống lại Người. Dù có phải mù cả hai mắt, tôi vẫn muốn sống sót trở về”.

 

Gương mặt của Lamiya bị biến dạng nghiêm trọng.

Những phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni coi người Yazidi là những kẻ tầm thường. Đức tin của người Yazidi là sự kết hợp nhiều yếu tố Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Hỏa giáo – một tôn giáo Ba Tư cổ đại. Trước chiến tranh Iraq, dân số Yazidi là khoảng 500.000 người. 

Nadia Mourad – một nô lệ trốn thoát thành công – đã xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế: “IS tự hào về những gì chúng đã làm với người Yazidi. Chúng tôi bị sử dụng như những lá chắn sống. Chúng tôi không được phép bỏ chạy. Chúng tôi có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Trong lúc đó, cả thế giới đang ở đâu...”.

Theo một nhà hoạt động xã hội giấu tên, IS dựa trên các ứng dụng mã hóa để buôn bán phụ nữ và trẻ em. Thông tin xuất hiện chủ yếu trên Telegram, Facebook và WhatsApp. Đại diện Telegram cho biết công ty cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp để các dịch vụ không bị lạm dụng và tiến tới xóa bỏ các kênh công cộng được IS sử dụng.

 

Bức ảnh cùng thông tin về một cô gái Yazidi bị IS rao bán như món hàng.

Bên cạnh đoạn quảng cáo bé gái 12 tuổi, AP còn thấy một nội dung khác trên WhatsApp về một người mẹ cùng hai đứa con 7 tháng tuổi và 3 tuổi với giá 3.700 USD.

Trong những hình ảnh được AP thu thập, nhiều phụ nữ và trẻ em gái mặc những trang phục lộng lẫy và trang điểm đậm. Tất cả nhìn thẳng vào máy ảnh và phông nền đằng sau trông như phòng khiêu vũ trong một khách sạn tồi tàn. Không ai trông quá 30 tuổi. Một số có thể còn chưa hết tuổi học tiểu học.

Một trong số đó là Nazdar Murat. Cô mới gần 16 tuổi khi bị bắt cóc 2 năm trước đây cùng hơn 20 phụ nữ trẻ khác vào một ngày tháng 8/2014. Cha và chú của cô cùng khoảng 40 người đã thiệt mạng khi các tay súng IS tràn vào vùng Sinjar – vùng đất quê hương của người Yazidi.

Bên trong một khu lều tạm nằm phía bắc thị trấn Dahuk của người Iraq, mẹ của Nazdar cho biết con gái bà đã từng liên lạc một lần vào 6 tháng trước.

“Mẹ con tôi đã trò chuyện trong ít phút ngắn ngủi. Con bé nói nó đang ở Mosul – thành phố lớn thứ hai tại Iraq. Mỗi khi có người may mắn trở về, chúng tôi đều hỏi thăm tin tức của con bé nhưng không một ai hay biết. Một số người nói với chúng tôi rằng con bé đã tự tử”.

Các gia đình có người thân mất tích đều giữ thông tin của họ trên điện thoại di động và cho tất cả những người trở về từ vương quốc tự xưng IS xem với hi vọng có ai đó thấy hoặc có chút manh mối về những người thân yêu ấy. Tuy nhiên, khả năng các nô lệ được giải cứu ngày càng trở nên mong manh. Nhiều gia đình nghèo khó người Yazidi thậm chí đã trả tới 15.000 USD cho những kẻ buôn người để chúng giải cứu người thân của họ, hoặc trả tiền chuộc theo yêu cầu cá nhân của các tay súng IS.

Số tiền này đã được chính phủ khu vực người Kurd hoàn trả lại. Tuy nhiên, quỹ chi trả cũng đã cạn kiệt. Trong những năm qua, người Kurd đã bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế do sự sụt giảm giá dầu, tranh chấp với chính quyền trung ương Iraq và cuộc chiến tranh chống lại IS.

Ngay cả khi IS rút khỏi các thị trấn như Ramadi hay Fallujah, những cô gái mất tích vẫn không được tìm thấy. Quá trình giải cứu đang bị chững lại. Nguồn tiền ngày càng cạn kiệt. Hàng chục ngàn gia đình rơi vào cảnh nợ nần.

Lamiya bị bắt cóc từ làng Kocho gần thị trấn Sinjar vào mùa hè năm 2014. Cha mẹ cô có lẽ đều đã chết. Trong khi đó, em gái 9 tuổi của cô vẫn bị giam cầm ở một nơi nào đó. 

Năm chị em gái khác của Lamiya đều đã trốn thoát và chuyển tới Đức sinh sống. Một người em trai của cô từng bị giam giữ trong trại huấn luyện của IS cũng đã bỏ trốn và hiện đang ở cùng họ hàng tại Dahuk – một thành phố người Kurd tại Iraq.

Quá trình từ khi bị bắt cho tới lúc trốn thoát được Lamiya kể lại tường tận. Người chủ đầu tiên của cô là một thủ lĩnh IS có tên Abu Masour. Hắn thường xuyên còng tay và đánh đập cô. Lamiya bị tra tấn và cưỡng hiếp rất nhiều lần. Sau 1 tháng, cô bị bán cho một phần tử IS khác tại Mosul. 2 tháng sau, cô lại bị bán một lần nữa cho một kẻ đánh bom tự sát. Hắn bắt cô giúp mình chế tạo áo khoác gắn bom và xe bom.

Sau đó, Lamiya lại bị bán cho một bác sĩ của IS tại Hawija – một thị trấn nhỏ của Iraq do IS kiểm soát. Hắn cũng đã lạm dụng cô không ít lần. Sau hơn 1 năm kể từ ngày bị bắt, cô tìm được cách liên lạc với người thân của mình. Chú của Lamiya cho biết gia đình đã trả cho những kẻ buôn người 800 USD để giải cứu cô. 

Lamiya sẽ sớm đoàn tụ với các anh chị em tại Đức, nhưng trái tim cô sẽ mãi ở lại Iraq. “Chúng tôi có một ngôi nhà xinh đẹp và một trang trại lớn. Tôi đã được đi học”.

theo HNMO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh