CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:06

ILO: Chậm phục hồi việc làm và gia tăng bất bình đẳng có nguy cơ để lại “vết sẹo” COVID-19 lâu dài

ILO: Chậm phục hồi việc làm và gia tăng bất bình đẳng có nguy cơ để lại “vết sẹo” COVID-19 lâu dài  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo một đánh giá mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch COVID-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023.

Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021 của ILO (WESO) dự báo "khoảng trống việc làm" do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu vào năm 2022. Khoảng trống về thời giờ làm việc, bao gồm cả khoảng trống việc làm và số giờ làm việc bị giảm tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian năm vào 2022. Thiếu hụt việc làm và thời giờ làm việc sụt giảm cũng bắt nguồn từ tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động và điều kiện làm việc kém từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Do đó, dự kiến 205 triệu người sẽ thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng COVID-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức này.

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ Latin và Ca-ri-bê, châu Âu và Trung Á. Ở cả hai khu vực này, ước tính tổn thất về thời giờ làm việc đã vượt mức 8% trong quý I và 6% trong quý II trong khi mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý I và II lần lượt là 4,8% và 4,4%.

Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn.

Việc làm và thời giờ làm việc giảm kéo theo sự sụt giảm mạnh về thu nhập từ lao động, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về tỷ lệ nghèo. So với năm 2019, giờ đây đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực (nghĩa là họ và gia đình họ sống với mức thu nhập tương đương thấp hơn 3,2 đô la Mỹ mỗi ngày). Theo báo cáo, "những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát", đồng thời báo cáo cho biết thêm điều này khiến việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc về xóa nghèo trước năm 2030 càng khó khả thi hơn.

Khủng hoảng COVID-19 cũng khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do khủng hoảng tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương. Việc thiếu các chế độ an sinh xã hội ở nhiều nơi, như tình trạng của 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới, đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động.

Cuộc khủng hoảng cũng tác động đặc biệt nghiêm trọng tới phụ nữ. Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% năm 2020, trong khi mức giảm việc làm của nam giới là 3,9%. Tỷ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động và không còn hoạt động kinh tế còn lớn hơn nữa. Việc phải gánh vác thêm những trách nhiệm gia đình do các biện pháp phong tỏa trong khủng hoảng cũng là nguy cơ dẫn đến "tái truyền thống hóa" những vai trò giới.

Trên toàn cầu, việc làm thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với mức 3,7% ở người trưởng thành và các nước thu nhập trung bình ghi nhận sự sụt giảm này rõ rệt nhất. Hệ quả của sự trì hoãn và gián đoạn trong việc cho phép thanh niên sớm có được những trải nghiệm về thị trường lao động có thể còn kéo dài hàng năm.

Tác động của đại dịch đến triển vọng thị trường lao động của thanh niên được mô tả chi tiết hơn trong một báo cáo khác của ILO được công bố cùng thời điểm với báo cáo WESO này. Báo cáo với tiêu đề Cập nhật về tác động của khủng hoảng COVID-19 tới thị trường lao động thanh niên cũng cho thấy khoảng cách giới trong thị trường lao động trẻ ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

"Phục hồi từ đại dịch COVID-19 không chỉ là vấn đề về sức khỏe. Chúng ta cần phải khắc phục cả những thiệt hại nặng nề mà đại dịch gây nên đối với các nền kinh tế và xã hội. Nếu không có những nỗ lực trọng điểm nhằm đẩy nhanh quá trình tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, khôi phục những lĩnh vực kinh kế bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì trong nhiều năm tới, chúng ta có thể sẽ vẫn còn phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch trên phương diện thiệt hại về tiềm năng con người, tiềm năng kinh tế và tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng gia tăng," ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO cho biết. "Chúng ta cần phải có chiến lược toàn diện và đồng bộ, dựa trên những chính sách lấy con người làm trung tâm và được hỗ trợ bởi hành động và kinh phí. Công cuộc phục hồi sẽ không thực chất nếu không phục hồi việc làm thỏa đáng."

Ngoài đánh giá về tổn thất về thời giờ làm việc, tổn thất việc làm trực tiếp và chiều hướng tăng trưởng việc làm, báo cáo WESO cũng đề xuất một chiến lược phục hồi được cấu trúc trên bốn nguyên tắc: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất; hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động; củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và có sức chống chịu tốt; và sử dụng đối thoại xã hội trong xây dựng các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh