THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:08

Ì ạch cải tạo chung cư cũ

 

7 năm chưa giải phóng xong mặt bằng

Dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ số 93 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội, đã khởi động 7 năm, nhưng đến nay nơi đây vẫn là đống đổ nát, người dân dài cổ chờ đợi nhà tái định cư.

Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Bất động sản An Thịnh (trước đây là Cty CP Bất động sản Vinaconex) về việc thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư L1, L2 số 93 Láng Hạ. Dự án có quy mô diện tích xây dựng là 2.582m2 với tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ chung cư 27 tầng , có 3 tầng hầm. Nhưng đến nay sau thời gian 7 năm nơi đây vẫn là đống đổ nát, người dân dài cổ chờ đợi nhà tái định cư. Được biết, nguyên nhân khiến khu chung cư cũ nằm trên khu đất vàng trở thành nơi chứa rác thải là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, một số hộ dân vẫn quyết định bám trụ do chưa thỏa thuận đền bù xong với chủ đầu tư.

Tương tự, dự án xây dựng lại nhà chung cư B6 Giảng Võ, cũng được Hà Nội được triển khai từ năm 2007 nhưng do nhiều vướng mắc nên dẫn đến tranh chấp kéo dài. Đến nay, sau nhiều năm cư dân nhà B6 vẫn đang phải sống tại nơi ở tạm chưa thể nhận nhà. Tháng 12/2009, UBND TP Hà Nội ra văn bản chấp thuận đề nghị của Sở QHKT cho chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 xây dựng công trình gồm: Khối văn phòng cao 22 tầng và khối nhà ở cao 19 tầng. Nhưng theo hồ sơ xin cấp phép xây dựng của chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng (năm 2011), chủ đầu tư lại đề nghị cấp phép xây 2 toà cao 28 tầng.

Đến nay theo quyết định điều chỉnh một số nội dung của Dự án cải tạo xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ của UBND TP Hà Nội, công trình được nâng tầng cao là 24 tầng; tầng hầm 3 tầng, số lượng căn hộ 342 căn. Đồng thời Hà Nội cũng đưa ra “đích” cuối cùng cho dự án này là đến quý II/2019 dự án kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng từ quý II.2019.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng, phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô. Từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

 

Bộ Xây dựng thúc giục các địa phương cải tạo chung cư cũ

Trước “sức ì” của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng vừa có văn bản văn bản số 1405/BXD-QLN gửi các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm có báo cáo về kết quả thực hiện và các khó khăn vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn về Bộ Xây dựng trước ngày 15/7/2018 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Xây dựng sau khi kiểm tra, cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ, tương đương hơn 3 triệu m2 nhà, được xây dựng trước năm 1994, trong đó, có khoảng trên 600 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc vẫn còn nhiều địa phương có khối lượng nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại nhưng lại thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp chính quyền. Bởi vậy, tỷ lệ dự án được thực hiện vẫn quá ít so với nhu cầu thực.

Theo Bộ Xây dựng, để chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thành công thì cần đổi, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định liên quan theo hướng rõ ràng, đồng bộ.

Cụ thể như việc cần sửa đổi các quy định của Nghị định 101 nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: Cho phép thực hiện xây dựng lại đơn lẻ đối với chung cư nguy hiểm; Hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại khu vực trung tâm, ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bộ Xây dựng cũng tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi quy định của Luật Nhà ở 2014 về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với nhiều thay đổi thuận lợi hơn. Các địa phương cũng chủ động tạo lập quỹ nhà để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các chộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, cần phải phá dỡ để xây dựng lại nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định để đẩy nhanh việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư theo kế hoạch và quy hoạch đã được duyệt. Và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư….

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh