THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:03

Huyện Đô Lương (Nghệ An): Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các cấp ngành và sự hưởng ứng của nhân dân trên toàn huyện. Ngay từ đầu năm 2011, Đô Lương có 5824 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 11,7%, đến cuối năm 2015 còn lại 6,72%. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3%.

Nhận thấy rõ kinh tế trang trại và tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, những trang trại nuôi lợn rừng, nuôi gà, nuôi cá, trồng cam, chanh, bí, trồng rừng và các  xưởng mộc, thủ công nghiệp đã không những đưa người dân thoát được nghèo mà nhiều hộ trở nên giàu có. Mặt khác con đường xuất khẩu lao động cũng là một trong những kế hoạch trọng tâm để người dân thoát nghèo. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện Đô Lương có khoảng 5000 lao động tham gia học tập định hướng và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Có khoảng 1450, trong đó có 295 lao động nữ đi xuất khẩu lao động. Đạt 145% kế hoạch, số lao động được đào tạo nghề  trong năm 2015 là trên 1200 người, đạt 104% kế hoạch, lao động được tạo việc làm mới là 503 lao động, đạt 100,6% kế hoạch. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp nhỏ đã thu hút được nhiều lao động của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Đô Lương hôm nay.

Từ đầu năm 2015, toàn huyện Đô Lương đã triển khai đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề gắn với việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động tạo thu nhập cho người nghèo. Đồng thời, nhằm có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống cho nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực, triển khai xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ sản xuất, y tế, giáo dục, nhà ở… Đô Lương đã có kế hoạch triển khai các chính sách giảm nghèo chung và thực hiện hỗ trợ giảm nghèo đặc thù cho người dân. Đến nay Đô Lương đã triển khai chính sách sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Cung cấp tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Thực hiện dạy nghề miễn phí theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, vấn đề cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý và được hưởng thụ văn hóa thông tin.

Tỷ lệ nhiều hộ gia đình nghèo khó không làm được nhà ở hoặc phải sống trong những căn nhà tạm bợ thì giờ đã được chuyển đến ở trong căn nhà mới, khang trang, chắc chắn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trên địa bàn Đô Lương nhằm thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả. Huyện đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã khó khăn, thôn khó khăn. Đối với hộ thiếu đất sản xuất, rà soát lại quỹ đất của gia đình có thể còn cải tạo để trở thành đất sản xuất để được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Còn những nơi không còn quỹ đất để giao hoặc cải tạo thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề, được ngân sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng lao động. Các hộ thiếu vốn sản xuất đề nghị các xã, thị trấn rà soát lại nhu cầu số lượng, thông qua các tổ vay vốn của Ngân hàng chính sách Xã hội để thực hiện cho người dân phát triển kinh tế gia đình. Người dân có nhu cầu giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được hỗ trợ tư vấn các thị trường xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy rằng, sự nỗ lực của chính quyền cùng nhân dân Đô Lương đã và đang quyết tâm từng bước thực hiện công tác giảm nghèo bền vững có hiệu quả. Để chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả cần coi trọng công tác tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo nhận thức được ý nghĩa của các chương trình xóa đói giảm nghèo đó là: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là các công cụ hỗ trợ người nghèo về vốn, trình độ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng giúp người dân có thể tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, cây, con, giống mới, thay đổi tư duy cách làm ăn từ đó tự mình vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Đô Lương đã đưa ra mục tiêu và giải pháp đồng bộ như: Thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung vào các nội dung, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông; tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá các chính sách giảm nghèo tác động đến đối tượng thụ hưởng. Tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh