THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:40

An Giang: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Nghị quyết 80/NQ - CP của Chính phủ và Quyết định 107/QĐ - UBND tỉnh về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Sở LĐ - TB&XH An Giang đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.

Trong đó xác định rõ động lực giảm nghèo chính là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo và một trong những chính sách quan trọng chính là tạo được việc làm cho người lao động.

Để việc thực hiện các mô hình hiệu quả, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hạch phân bổ kinh phí thực hiện hàng năm, tiến hành khảo sát một số mô hình giảm nghèo có hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của từng hộ nghèo, cận nghèo và ký hợp đồng với Phòng LĐ - TB&XH cấp huyện, trung tâm dạy nghề cấp huyện, hội đoàn thể cấp tỉnh để thực hiện xây dựng và nhân rộng. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm, phương thức tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả, để phổ biến nhân rộng.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành có hiệu quả và UBND cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án ở địa phương, cơ sở để kịp thời hướng dẫn địa phương xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ có sự giám sát chặt chẽ, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục mô hình giảm nghèo với hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo tham gia thực hiện đem lại hiệu quả cao. Đó là các mô hình thiết thực như: Nuôi gà, lươn, rắn hổ hèo, dê, cá lóc, chế biến đường thốt nốt, trồng nấm rơm, trồng đậu phộng, mè đen, nghề đan đát, nghề mộc… Đa số các hộ tham gia đều có lực lượng lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo bằng chính năng lực, sức lao động của mình. Đến nay có trên 80 % hộ tham gia thực hiện mô hình giảm nghèo đã thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Qua khảo sát, đánh giá, có thể kể một số mô hình điển hình như chế biến đường thốt nốt ở các xã: An Phú, An Nông, Văn Giáo, thị trấn Tịnh Biên; mô hình nuôi cá lóc ở xã Nhơn Hưng, nuôi bò vỗ béo ở xã Tân Lập, trồng lúa giống ở xã Tân Hảo; mô hình đan giỏ nilon ở xã Vĩnh Trung, An Nông, Nhà Bàn, Thất Sơn (Tịnh Biên). Đặc biệt là các làng nghề được khôi phục, khởi sắc đã thu hút, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương như làng may mùng mền, làng sản xuất bẫy rập chuột ở huyện Châu Thành… Có thể nói, việc triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo đã đem lại hiệu quả to lớn cả về mặt kinh tế và mặt nhận thức xã hội. Trước khi chưa tham gia mô hình, đa số hộ nghèo, cận nghèo đều thiếu vốn sản xuất, không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh.

Mô hình chế biến đường thốt nốt phát triển mạnh ở vùng đồng bào Khmer tại Tịnh Biên và Tri Tôn.

Sau khi tham gia mô hình họ đã được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn sản xuất, có việc làn ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đó chính là những yếu tố cơ bản để họ vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo theo hướng bền vững. Từ thực tế hiệu quả những năm qua, trong giai đoạn tiếp theo An Giang tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương.  

TRANG THUÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh