THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:23

Đổi đời từ nuôi thủy sản nước ngọt

 

Theo một số nông dân cho biết, hiện nay ở Tịnh Biên mô hình nuôi cá lóc bông và cá lóc đồng đang phát triển mạnh, được nhân rộng ở nhiều xã trong huyện. Ông Trương Công Bằng, ở ấp Voi 1, xã Núi Voi thả nuôi khoảng 5000 con cá lóc bông và 3000 con cá lóc đồng, sau 3 tháng nuôi bán ra thị trường thu lợi nhuận từ 10 – 15 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá lóc bông, cá lóc đồng được nhân rộng ở huyện Tịnh Biên đã đem lại cho nhiều nông dân nguồn thu nhập cao

Ông Trương Công Bằng cho biết, cá lóc bông cũng như cá lóc đồng đều thuộc loại dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, cá vụn. Hiện nay giá thị trường cá lóc bông khoảng 46.000 đồng/kg và cá lóc đồng 40.000 đồng /kg, người nuôi hai loại cá lóc này đều có lợi nhuận cao. Được biết, riêng ở xã Núi Voi hiện nay có hàng chục hộ nông dân thực hiện mô hình nuôi cá lóc bông và cá lóc đồng.  

 Nguồn thức ăn của cá lóc bông, cá lóc đồng chủ yếu là cá tạp, cá vụn rất phong phú ở địa phương được các hộ nuôi cá thu mua với giá rẻ, nên chi phí thấp, lợi nhuận cao                                                                                                     

Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng cũng được nhiều người nông dân ở huyện Tịnh Biên xem như một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Đầy, ở ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, là một trong những người nông dân đầu tiên của xã thực hiện mô hình nuôi lươn trong bể xi măng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Là một nông dân cần cù, ham học hỏi, khi quyết định đầu tư nuôi lươn trong bể xi măng, ông Huỳnh Văn Đầy đã tìm đến một số hộ ở các huyện lân cận để tham quan học hỏi kinh nghiệm. Đến nay sau 4 năm thực hiện mô hình nuôi lươn trong bể xi măng, với sự tích lũy kinh nghiệm của bản thân và sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, ông Đầy đã tư tin đầu tư nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng thành công.

Nuôi lươn trong bể xi măng không bùn cũng đang là một mô hình hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân thực hiện

 

Ông chia sẻ, ban đầu chưa có kinh nghiệm, ban đầu ít vốn, ông nuôi lươn trong bể lót bạt, sau nhiều vụ thu hoạch thấy có lợi nhuận cao, ông đã mạnh dạn đầu tư xây một bể xi măng nuôi lươn rộng khoảng 30 m2, dần dần ông mở rộng quy mô với 4 bể, mỗi bể rộng 30 m2. Ngoài nguồn thức ăn công nghiệp, ông Đầy cũng cho lươn ăn thêm thức ăn thu mua ngoài tự nhiên như ốc bươu vàng. Ông Đầy cho biết, sau 6 tháng nuôi là thu hoạch lươn,  mỗi đợt thu hoạch, trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng trên 5 triệu đồng/bể. Hiện nay, tại Tịnh Biên với mô hình này nhiều nông dân đã học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

                             

 Đối với những hộ nông dân ít vốn đầu tư, ít đất thì triển khai thực hiện theo mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt rất phù hợp.

 

 Đó là 2 trong số rất nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt đã và đang được thực hiện, nhân rộng ở Tịnh Biên trong nhiều năm qua, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Được biết, hiện nay tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt ở huyện Tịnh Biên là trên 106.000 m2, chủ yếu với các mô hình nuôi cá lóc đồng, cá lóc bông, lươn, cá sặc rằn, cá trê…Trong đó, riêng diện tích nuôi lươn có 2.900 m2, nuôi cá tạp trên 37.200 m2 và ương cá lóc giống là 7 45 m2, chủ yếu tập trung ở những xã nằm ven kênh Vĩnh Tế, kênh Trà Sư: Nhơn Hưng, An Phú, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lợi, Tân Lập và thị trấn Tịnh Biên.

Nuôi cá sặc rằn trong ao đào là một trong những mô hình được nông dân ở nhiều xã trong huyện lụa chọn để phát triển kinh tế gia đình 

 

Song song với việc phát triển nhân rộng các mô hình, để làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các kỹ thuật viên phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đối với những người dân sử dụng xung, xiệc điện để khai thác nguồn lợi thủy sản triệt để, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản. Có thể nói hiện nay ở An Giang, huyện Tịnh Biên là một trong những địa phương có số hộ thoát nghèo bền vững và làm giàu từ các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt rất đông. Điều đó khẳng định, nuôi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ngọt là hướng đi đúng, một việc làm thiết thực góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân địa phương./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh