THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Huyện Thoại Sơn (An Giang):Khuyến nông, khuyến ngư giúp dân xóa nghèo, làm giàu

 

Những năm qua, huyện Thoại Sơn nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, nên nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn ngày càng khấm khá hơn. Trong các mô hình mà nông dân trong vùng triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có mô hình trồng nhiều loại rau màu trên cùng một diện tích đất đang được nhân rộng.

 

Nhờ chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu như dưa leo, khổ qua và rau các loại mà nhiều nông dân tăng thu nhập cao hơn so với trồng lúa

 

 Gia đình ông Lý Trọng Tính, ở ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông là ví dụ điển hình trong việc thực hiện mô hình này. Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi ông Lý Trung Tính đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất (5.000 m2) trồng lúa, sang trồng các loại rau màu như: Dưa leo, khổ qua, ớt, đậu cô ve, đậu bắp. Hiện nay gia đình ông mỗi vụ thu hoạch khoảng 800 kg khổ qua/300 m2; khoảng 300 kg dưa leo/250 m2 bán tại bờ ruộng cho thương lái với giá từ 6000 đ/kg – 7.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi trên 5 triệu đồng/vụ (chưa kể nguồn thu từ các loại đậu bắp, cô ve, ớt). Theo ông Tính, đây là những loại rau màu ngắn ngày dễ trồng, ít vốn đầu tư, không tốn nhiều công chăm sóc, có đầu ra ổn định, trồng được nhiều vụ trong năm, nên đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. 

       Mô hình vườn, ao, chuồng là một trong những mô hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình của nhiều hộ nông dân ở Thoại Sơn hiện nay

 

Mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) từ nhiều năm qua cũng phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều hộ nông dân áp dụng. Ông Trần Văn Thái ớ ấp Hòa Tân, xã Định Thành là một trong những nông dân thực hiện thành công mô hình này đang ăn nên làm ra. Hiện gia đình ông có diện tích VAC và đất trồng lúa trên 7 công đất (7.000 m2), trong đó diện tích chuồng trại là 600 m2, với 80 con heo và diện tích ao thả cá 800 m2, với hơn 20.000 con cá các loại, còn lại là diện tích vườn cây ăn trái và trồng lúa. Với mô hình VAC khép kín này, mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông còn có lợi nhuận trên 150 triệu đồng

.                                 Nuôi các loại cá nước ngọt trong mô hình V.A.C là một trong những thế mạnh đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện

 

Bên cạnh các mô hình kể trên, những năm gần đây nông dân xã Định Mỹ nhận thấy mô hình nuôi bò vỗ béo rất phù hợp với điều kiện của địa phương. Đây là mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn đang vươn lên làm giàu. Từ 2010, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp Mỹ Phú, xã Định Mỹ đã bắt tay vào đầu tư nuôi bò vỗ béo đạt hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao, kinh tế gia đình trở nên khấm khá. Ban đầu ít vốn, ông Tuấn mua 3 con bò với giá 5 triệu đồng/con (15 triệu đồng/3 con) về nuôi vỗ béo, sau 12 tháng cho xuất chuồng bán được 60 triệu đồng/ 3 con. Thấy mô hình nuôi bò vỗ béo đem lại lợi nhuận cao, ít tốn công chăm sóc, ông Tuấn tiếp tục đầu tư tăng dần đàn bò với 6 con, với giá 60 triệu đồng, sau 9 tháng vỗ béo, bán ra trừ mọi chi phí còn có lãi 60 triệu đồng. Hiện nay đàn bò của ông đã tăng lên 12 con đang trong thời kỳ vỗ béo chuẩn bị cho xuất chuồng, chắn chắn sẽ đem lại khoản lãi rất đáng kể. 

                                                                                         Nuôi bò vỗ béo từ 8 - 9 tháng cho xuất chuồng đem lại lợi nhuận cao, lại ít tốn công chăm sóc, nên được nhiều hộ nông dân lựa chọn để phát triển kinhh tế gia đình

 

Trồng nấm rơm trong nhà là mô hình không chỉ tạo thêm thu nhập, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở xã Vĩnh Trạch. Mô hình này có ưu điểm là rất thích hợp với điều kiện những hộ không có hoặc có ít đất sản xuất. Thực hiện mô hình này vừa tận dụng được nguồn rơm sau thu hoạch lúa, vừa giúp vệ sinh đồng ruộng và có thêm nguồn nguyên liệu để trồng nấm. Những năm gần đây,Trung tâm Khuyến nông huyện Thoại Sơn đã đưa ra giải pháp trồng nấm rơm trong nhà đem lại hiệu quả tích cực, cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng, ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch trước đây sau thu hoạch lúa thường bỏ một lượng lớn rơm ngoài đồng.

Trồng nấm rơm trong nhà đã và đang là một mô hình thu hút nhiều hộ nông dân ít vốn, ít đất sản xuất tham gia thực hiện tận dụng nguồn rơm sau vụ gặt

 

Nay thấy mô hình trồng nấm rơm trong nhà được nhiều người dân thực hiện, ông Tùng đã tận dụng nguồn rơm khoảng 1000 kg, để trên 8 kệ trong nhà, với diện tích khoảng 200 m2 trồng nấm. Tính từ khi ủ đến khi có nấm thu hoạch chỉ hơn 1 tháng gia đình ông có thêm nguồn thu nhập gần 3 triệu đồng. Hiện nay tại địa phương mô hình đang được nhân rộng, với gần 30 hộ nông dân trong vùng tham gia thực hiện. Đây cũng là một trong những mô hình góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương../.                                                                                             

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh