THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:46

Huyền thoại đường 20 Quyết Thắng

 

Dâng hương tại Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng.

Con đường huyền thoại… 

Với tổng chiều dài toàn tuyến từ Trường Sơn Đông sang Trường Sơn Tây đến ngã ba Lùm Xùn, đoạn giao nhau với đường 9 Nam Lào, đường 20 Quyết Thắng có tổng chiều dài 123km. Trong đó, chỉ tính riêng đoạn khởi nguồn từ làng Phong Nha (xã Sơn Tạch) đến bản Cà Roàng (xã Thượng Trạch), thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chạm tới cột mốc 543 biên giới Việt- Lào, tiếp giáp với bản Nọong Ma (Lào) chỉ với chiều dài khoảng 45 km, nhưng đi qua không biết bao truông đèo, vực thẳm, dốc đá cheo leo…

Có thể nói, mỗi xăng ti mét chiều dài của cung đường này từng chịu đựng hàng trăm quả bom, đạn pháo, rốc két các loại của giặc Mỹ ném xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta. Máu, mồ hôi và nước mắt của bao người lính, thanh niên xung phong, cùng các lực lượng công nhân, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và nhân dân ta đã nhuộm tím từng tấc đất, tấc đường để viết nên khúc tráng ca bất tử trong dòng chảy lịch sử bất tận của dân tộc Việt Nam.

Đường 20 Quyết Thắng chính thức ra đời vào ngày 5/5/1966 với hoàn cảnh hết sức đặt biệt trong chiến dịch giải phóng miền Nam của quân và dân ta, đánh dấu một bước ngoặt hết sức quan trọng với việc làm thay đổi cục diện chiến trường niềm Nam, góp phần thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Roòng, Cồn Roàng và nhân dân xã biên giới Thượng Trạch. 

Ngày ấy, để hoàn thành tuyến đường gấp rút trong 4 tháng theo chỉ thị của cấp trên, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng kiêm Tư lệnh 559 Phan Trọng Tuệ, một lực lượng thi đông đảo với hơn 1 vạn cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải và các đội TNXP được quân sự hóa trong đội hình của Đoàn 559, cùng với các lực lượng công binh, các đơn vị bộ binh trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, nhưng được lệnh dừng lại làm nhiệm vụ mở đường.

Nắm bắt được vị trí chiến lược hết sức quan trọng của tuyến đường này sau khi được ta đưa vào lưu thông, giặc Mỹ vội vàng tập trung đánh phá, đưa cung đường vào tầm ngắm của tọa độ chết. Chúng huy động các loại máy bay không kích và cường kích tối tân nhất hiện có, trong đó có máy bay B52 ném bom rải thảm lên toàn bộ khu vực, trong đó có các trọng điểm: A.T.P (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích), trọng điểm Trà Ang ở điểm cao 150m, dài 5km; các trọng điểm từ Km 00 đến Km 10, Km 14 có thời điểm bị đánh phá liên tục suốt 87 ngày đêm. Chỉ trong 6 ngày (từ 25/9 đến 1/10/1968) đã có hàng trăm bộ đội, TNXP bị thương vong tại các tọa độ trên, trong đó có 29 người anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa bao la đại ngàn. Tước đó, họ đã cùng đồng đội vận chuyển được 30 phuy xăng qua tọa chết, đến được địa điểm tập kết tiếp nhiên liệu cho xe ta tiếp tục hành quân tiến vào chiến trường miền Nam. Tang thương nhất phải kể đến cái chết của 8 TNXP cùng quê ở huyện Hoàng Hóa (Thanh Hóa), họ bị vùi lấp trong một hang đá, sau này được người dân địa phương đặt cho tên gọi là “Hang Tám Cô” tại Km 16,5 vào ngày 14/11/1972, do một loạt tên lửa Mỹ bắn xuống, nhưng phải đợi đến hàng chục năm sau mới được phát hiện, cửa hang mới được mở để cho linh hồn của các TNXP thanh thản trở về chốn khói hương của Tổ quốc và gia đình.

Di tích cây rao ráng treo kẻng báo hiệu trên đường 20 Quyết Thắng.

Con đường xóa đói giảm nghèo 

Hơn 40 năm qua đi, nay trở lại trên con đường 20 Quyết Thắng, rừng núi đã phủ một màu xanh bạt ngàn và màu vàng của loài hoa rào cọp đã điểm tô thêm sắc nắng cho đất trời thêm lung linh, điểm tô cho cuộc sống muôn màu của người dân địa phương, trong đó đại đa số là cộng đồng bà con dân tộc người Ma Koong, đang thay đổi từng ngày.

          Ông Phan Hữu Bính - Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, cho biết, trước đây cả xã không ai được học hết cấp 1, nhưng bây giờ có tới hơn 200 em đang theo học THCS. Hơn thế nữa, kỳ thi vừa qua, lần đầu tiên toàn xã có tới 19 em đăng ký học THPT. Đặc biệt, nạn sốt rét được đẩy lùi, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống không còn diễn ra; nạn phá rừng, đốt rừng làm rẫy tự do cũng chấm  dứt..

          Đường 20 Quyết Thắng giờ đã được nâng cấp rải nhựa cả ở những nơi có dốc đứng cua ngoặt nên chẳng mấy chốc xe ô tô chạy bon bon tới tận biên giới. Mái nhà chung Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây thông qua tuyến đường này chính là cửa khẩu  Cà Roòng – Nọong Ma đang được nâng cấp, tạo điều kiện làm ăn thông thương cho người dân 2 bên biên giới. Tại đây, lực lượng Đồn Biên phòng Cà Roòng chủ động phối hợp với Trạm Hải quan Cà Roòng, cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, phát huy trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Cùng với đó, 2 đồn Biên phòng Cà Roòng, Cồn Roàng cùng đóng trên địa bàn xã biên giới Thượng Trạch còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần, hỗ trợ về vật chất các gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động bà con sản xuát, phát triển kinh tế và phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”…

Nụ cười của bà con dân tộc Ma Koong bản Cà Roòng.

Đặc biệt, nhờ tuyến đường 20 Quyết Thắng khai phá văn minh, mà ngay từ những đầu thế kỷ 21, bà con ở bản Chăm Pu đã trở thành bản đầu tiên trong số 18 bản dân tộc Ma Koong ở xã Thượng Trạch, đã vĩnh viễn xóa bỏ tình trạng du canh du cư, đốt rừng làm rẫy, thay vào đó là chuyên canh lúa nước, ổn định cuộc sống. Từ đó, mô hình chuyên canh lúa nước của bản Chăm Pu được nhân rộng ra các bản khác, trở thành điểm tựa bền vững cho bà con trong việc chủ động lương thực.

Chứng kiến những đổi thay của thiên nhiên cũng như người dân địa phương dọc theo hai bên con đường 20 Quyết Thắng hôm nay, ông Nguyễn Tiến Hoàng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, dẫn đầu đoàn công tác cùng đi với chúng tôi, ghi nhận: Đây không những là con đường huyền thoại trong chiến tranh, mà còn là đường huyền thoại trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng trong việc mở mang dân trí, phát triển kinh tế- xã hội ở vùng miền núi phía Tây Quảng Bình và nước bạn Lào. Trong đó, có tác dụng trực tiếp đến công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với cộng đồng bà con dân tộc Ma Koong. 

Nguyễn Ngọc Vượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh