Huyền thoại 11 cô gái sông Hương
- Dược liệu
- 02:00 - 20/07/2016
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói. Trong đó, người dân Cố đô vẫn không thể quên hình ảnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người con gái sông Hương. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, 11 cô du kích sông Hương lên đường nhập ngũ vào cái tuổi mười tám, đôi mươi. Lúc đó, các cô được giao nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực mở cuộc tiến công. Những người con gái Huế với dáng vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng bên trong là sự quật cường, gan dạ, kiên trung. Họ đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa mảnh đất Cố đô.
Chúng tôi tìm đến nhà cô Hoàng Thị Nở (số 131/1, đường Bà Triệu, TP Huế) - một trong 11 cô gái du kích sông Hương năm xưa. Cô Nở bồi hồi kể lại câu chuyện cũ đã đi vào lịch sử của dân tộc: "Quên sao được cái ngày mà những đồng đội thân thương của tôi đã ngã xuống. Hồi đó, tiểu đội tôi được giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của địch ở trên địa bàn TP Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Tôi cùng các đồng đội vào vai con gái làng nón đưa sản phẩm làng nghề đi bán dạo cho người dân khắp khu vực phía Nam thành phố để thu thập tình hình".
"Ngoài ra, nhiệm vụ chính của tiểu đội còn là giúp cho bộ đội chủ lực tiểu đoàn K2 đặc công, K10 và các đội biệt động nhắm đúng vào các mục tiêu, đánh địch, chiếm sở chỉ huy Phan Sào Nam, đánh chiếm căn cứ quân sự Hoa Mai, An Cựu, đánh vào khách sạn Hương Giang, Ty Cảnh sát Ngụy, Nha thẩm vấn nhà lao Lê Quý Đôn, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến ở sân vận động Huế vào đêm mồng 1 Tết Mậu Thân" - cô Nở kể lại.
Đặc biệt, ngày 12-2-1968, 11 cô gái sông Hương đã tổ chức đánh địch phản kích từ hướng Thuận An lên, đẩy lùi một tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 120 tên tại ngã ba chợ Cống, phường Phú Hội (TP Huế), góp phần giữ vững địa bàn và bảo toàn lực lượng cho bộ đội chủ lực. Các chị tiếp tục bám địa bàn, giữ vững tay súng, kiên cường chống địch và thuyết phục những binh lính Ngụy trở về không làm tay sai cho địch nữa. Trước thắng lợi đó, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi với bốn câu thơ:
Cô Hoàng Thị Nở ngậm ngùi khi cầm trên tay cuốn sổ nhật ký của đồng đội Đỗ Thị Cúc. Ảnh: Phạm HoàngDõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
Cô Nở hào hứng kể: "Tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ, nhưng đây là đất mình, mình quen cứ bám địch mà đánh dần, theo kế hoạch đó mà làm tiêu hao sinh lực của địch". Đến tháng 4-1972, trong một trận đánh chống quân Mỹ-Ngụy càn xuống Kim Long, Đội trưởng Phạm Thị Liên đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn chưa quá đôi mươi, để lại sự tiếc thương trong lòng các đồng đội.
Cùng ăn, cùng sống với nhau đến khi hòa bình, chị em không được sum họp đầy đủ. Sau năm 1975, cô Hoàng Thị Nở về tiếp tục làm Phường đội trưởng Vĩnh Lợi, nay thuộc Phú Hội, TP Huế, rồi làm Chủ tịch Hội Nông dân giúp cho bà con trong vùng an cư, lập nghiệp. Những đồng đội khác, người thì đi ra miền Bắc lấy chồng, người về quê lập nghiệp xây dựng ước mơ còn dang dở. Giờ mỗi người một nơi, lại mang trên mình nhiều vết thương của bom đạn chiến tranh, có người còn bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Vào dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm chiến thắng Xuân Mậu Thân, các chị gặp lại nhau ôn lại kỷ niệm chiến đấu và cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Họ cùng đi thăm mộ những đồng đội đã hy sinh và thăm cụ bà Nguyễn Thị Bờ (mẹ anh hùng Phạm Thị Liên, Tiểu đội trưởng của 11 cô gái sông Hương).
Những chiến công hiển hách trong lịch sử của 11 cô gái sông Hương đã được nhân dân TP Huế tôn vinh, là tượng đài "sống" về lòng dũng cảm và ý chí anh dũng kiên cường của những người con gái đất Cố đô.
Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2008, Tiểu đội "11 cô gái sông Hương" đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 4-2015, một tin vui đến với cô Nở và các đồng đội, đó là việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây dựng một khu tưởng niệm tại khu vực đường Bà Triệu, ngay sát khu vực chợ Cống, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của cả tiểu đội, để khắc ghi hình tượng những người con gái Huế trung dũng, kiên cường năm xưa.