THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:44

Huyện Tam Nông (Đồng Tháp):Dân xóa nghèo từ nuôi cá lóc trong bể xi măng

 

Huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp nằm trong vùng ngập lụt, nên hầu hết các hộ dân cư đều làm nhà sàn cao ráo để sống chung với lũ. Những năm gần đây, khi mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt nilon phát triển, nhiều nông dân trong vùng đã tận dụng khoảng đất trống dưới sàn nhà để xây bể, triển khai thực hiện mô hình. Trong đó, xã An Hòa, huyện Tam Nông là địa phương có nhiều hộ nông dân nuôi cá lóc theo mô hình này rất thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung bình mỗi đợt nuôi khoảng 5 tháng, nông dân thu hoạch xuất bán hàng chục tấn cá lóc thương phẩm, thu nhập từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Ông Lâm Quốc Chuyển, người đã có hơn 5 năm nuôi cá lóc trong bể xi măng lót nilon, xây dưới sàn nhà ở xã An Hòa cho biết, cá lóc nuôi theo mô hình này rất dễ theo dõi, chăm sóc, nên ít bị bệnh, cá lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, chi phí đầu tư và diện tích mặt nước bể không nhiều.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng đem lại lợi nhuận cao đã trở thành một phong trào được nhân rộng ở nhiều địa phương trong huyện Tam Nông

Bể nuôi cá lóc được thiết kế xây dựng khá đơn giản, bằng cách xây tường xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật bao quanh phía dưới sân nhà, với chiều cao khoảng 2 m, có lưới rào cẩn thận. Bên trong bể được lót tấm nilon hình cái mùng lật ngửa rồi bơm nước vào và thả cá lóc giống để nuôi. Sau khi đã thả cá vào nuôi, phía trên bể được bao phủ một lớp lưới cước làm nắp đậy lên có thể mở và đóng dễ dàng để tránh những loại ếch, rắn xâm nhập vào bể tiêu diệt cá lóc con.

Được biết từ 2005 đến nay, với mô hình này, mỗi mùa gia đình ông Lâm Quang Chuyển nuôi khoảng 1.500 con cá lóc giống, sau khoảng 5 tháng chăm sóc, gia đình ông thu hoạch bán ra thị trường khoảng 6 tấn cá lóc thương phẩm, bán được hơn 160 triệu đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình ông còn có khoản lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Ông đã được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi và được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tam Nông.

Có thể nói, mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt nilon, xây dựng dưới sàn nhà của ông Chuyển và nhiều hộ nông dân khác ở xã An Hòa vừa có thu nhập cao, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình rất cần được các ngành chức năng nghiên cứu, phát huy và nhân rộng, để giúp người dân Tam Nông nhanh chóng thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh