THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:12

Huyện Lang Chánh (Thanh Hoá): Phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội

Phát huy nội lực, thế mạnh và tiềm năng

Lang Chánh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi sinh sống lâu đời và lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa của 3 dân tộc anh em Mường, Thái, Kinh... Là huyện miền núi, địa bàn rộng, đất đai thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cây nguyên liệu, đặc biệt là cây luồng, các cây gỗ lớn, cây dược liệu và một số cây trồng khác, đồng thời thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Một số xã của huyện nằm trong tiểu vùng khí hậu ôn đới, có khả năng nuôi cá hồi, cá tầm. Huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; nhiều địa danh như núi Chí Linh, thác Ma Hao, suối Huối, đỉnh Miêu Thiền Tự... có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch. 

Với những lợi thế mà huyện Lang Chánh đang có, huyện Lang Chánh đang tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, tạo bước đột phá, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tìm mọi giải pháp để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đưa Lang Chánh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hoá.

Huyện Lang Chánh (Thanh Hoá): Phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội - Ảnh 1.

Thác Ma Hao – Tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái

Lang Chánh xác định kinh tế nông nghiệp là nền tảng, giữ diện tích lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực; tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp. Huyện cần làm tốt công tác trồng rừng, phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm từ rừng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; kiên quyết chuyển đổi các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn và các cây trồng có lợi thế để có hiệu quả cao hơn, bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu bản địa quý hiếm trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch bảo đảm sinh kế cho người dân...Phát triển nông nghiệp kết hợp 3 loại hình, vừa kết hợp sản xuất nông hộ, vừa kết hợp sản xuất tập trung quy mô vừa và lớn, quan tâm phát triển kinh tế hợp tác... 

Trong phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển đô thị, hạn chế tối đa các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường... Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, đặc biệt là Khu sinh thái Năng Cát - Thác Ma Hao và các di tích, danh thắng khác trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, lãnh đạo huyện Lang Chánh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đau đáu, trăn trở để Lang Chánh sớm thoát ra khỏi huyện nghèo 

Theo báo cáo của huyện Lang Chánh, những tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại một số xã, nên huyện cũng đã gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện, Lang Chánh đã triển khai thực hiện thành công "mục tiêu kép", không để phát sinh trường hợp lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực.

Huyện Lang Chánh (Thanh Hoá): Phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội - Ảnh 2.

Xây dựng và phát triển bản Năng Cát thành bản du lịch cộng đồng

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Lang Chánh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.209,5 tỷ đồng, tăng 11,7%, so với cùng kỳ… Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, 31 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm. Các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi, an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Đảm bảo an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững

Những năm qua, huyện Lang Chánh luôn đảm bảo công tác an sinh xã hội, và đã triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, trong đó một số chương trình như: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 Đặc biệt công tác giảm nghèo được triển khai gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn của huyện nói chung có nhiều thay đổi. Đối với chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a, trên cơ sở định mức, nội dung hỗ trợ của dự án và đề xuất của các xã, sau 4 năm triển khai, UBND huyện đã thẩm định và phê duyệt 35 dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi Chương trình 30a gồm: 19 dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản với quy mô 396 hộ, hỗ trợ 396 con trâu, bò sinh sản; 7 mô hình chăn nuôi dê lai, số hộ tham gia là 107 hộ, 154 con giống; 1 mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 69 hộ, 126 con giống; 2 mô hình chăn nuôi lợn cỏ bản địa, quy mô 21 hộ, hỗ trợ 42 con giống; 1 mô hình chăn nuôi vịt bầu bản địa, quy mô 16 hộ, 800 con giống; 4 mô hình trồng cây vầu đắng, số hộ tham gia 98 hộ, số cây giống hỗ trợ 2.253 cây giống; 1 mô hình trồng bưởi da xanh, với 65 hộ tham gia, hỗ trợ 1.096 cây giống.

Huyện Lang Chánh (Thanh Hoá): Phát triển kinh tế gắn với An sinh xã hội - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá thăm các mô hình trang trại tại Lang Chánh

 Tổng kinh phí thực hiện trong 4 năm là hơn 5 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, UBND huyện đã phê duyệt 37 dự án cho 8 xã trên địa bàn huyện và 4 thôn đặc biệt khó khăn của xã Quang Hiến tham gia dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi dê và trâu bò. Trong đó hộ nhận hỗ trợ chăn nuôi lợn nái sinh sản là 1.003 hộ với 2.006 con giống; hỗ trợ chăn nuôi trâu bò là 146 hộ, 146 con giống; hỗ trợ chăn nuôi dê sinh sản 207 hộ, 414 con giống, hỗ trợ chăn nuôi lợn cỏ sinh sản 55 hộ, 110 con giống với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Lang Chánh cũng đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ công cộng, thúc đẩy công tác giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, của toàn huyện đã giảm đáng kể. Đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 38,03% với 4.285 hộ nghèo, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 5%. Như vậy bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 7,09%/năm.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, cấp ủy, chính quyền huyện Lang Chánh đã đề ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trong thời gian tới, đó là: Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở trong công tác giảm nghèo theo Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2021. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người nghèo, mỗi hộ nghèo thay đổi tư duy cách làm ăn, từ đó có ý thức tự mình vươn lên thoát nghèo. Sớm đưa Lang Chánh thoát nghèo, trở thành một trong những huyện có thế mạnh tiềm năng phát triển của khu vực miền Tây xứ Thanh. Luôn với phương châm "Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, đảm bảo đời sống ổn định cho nhân dân trong huyện".

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh