Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): Phụ nữ lập tổ trồng rau sạch để thoát nghèo
- Dược liệu
- 13:53 - 13/02/2017
Theo báo cáo của các ngành chức năng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hồng Ngự, Hội Phụ nữ (HPN) xã Phú Thuận A được hỗ trợ hàng 100 triệu đồng để thực hiện mô hình Tổ phụ nữ trồng rau an toàn (TRAT). Từ 2006 Tổ phụ nữ TRAT xã Phú Thuận A được thành lập, với hàng chục hội viên, mỗi hội viên được HPN xã cho vay 4 triệu đồng, với lãi xuất 20.000đ/tháng, để chị em tham gia thực hiện mô hình. Đến nay mô hình này ngày càng phát triển và đạt hiệu quả đáng mừng. Nhiều loại rau như: Cải bẹ xanh, bắp cải, hành, củ cải… rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nên sinh trưởng tốt, chất lượng rau đảm bảo, giá cả rất ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống kinh tế của chị em tổ viên. Hàng tháng cứ vào ngày 15 và 30 âm lịch, Tổ phụ nữ này lại tổ chức họp định kỳ với sự tham gia đầy đủ của các chị em tổ viên để không chỉ trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật trồng các loại rau mà cả sự giúp đỡ chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, những kiến thức về vấn đề sức khỏe sinh sản, không sinh con thứ 3, kiến thức về pháp luật, những chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước…
Nhờ tham gia vào Tổ hợp tác trồng rau sạch thu nhập cao mà nhiều hộ phụ nữ đã từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo một số tổ viên cho biết, đây thực sự là một mô hình đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chị em phụ nữ. Trước đây vì khó khăn về vốn, nhiều chị em phải vay mượn trong dân, với lãi suất cao hơn so với ngân hàng, nên sản phẩm làm ra lợi nhuận đạt thấp, cuộc sống vẫn bấp bênh. Từ khi tham gia vào Tổ phụ nữ TRAT, chị em không còn phải lo nguồn vốn, nên chủ động được khâu xuống giống đúng thời vụ, năng xuất đảm bảo. Đồng thời trong những buổi họp theo định kỳ, nếu có vấn đề gì bất lợi trong sản xuất, thì chị em họp bàn để điều chỉnh kịp thời. Ví dụ như thấy giống rau cải cho năng xuất thấp, hoặc rớt giá trên thị trường thì chị em bàn nhau chuyển ngay sang trồng các giống rau khác như hành, củ cải… Nhờ vậy mà những năm gần đây việc trồng rau an toàn của chị em trong tổ luôn thuận lợi, bớt rủi ro, lợi nhuận tăng cao. Ngoài nguồn vốn vay 4 triệu đồng của tổ, tại các buổi họp định kỳ, chị em đã lồng ghép thêm mô hình góp vốn xoay vòng, cứ mỗi tháng các chị đều góp 20.000đ vào quỹ và HPN xã sẽ bình chọn chị em nào có hoàn cảnh khó khăn, đang cần nguồn vốn sản xuất thì xét cho nhận tiền trước với số tiền 1,5 triệu đ, để chị em lo mua giống, phân bón, khâu tưới tiêu phục vụ trồng rau an toàn… Một chị tổ viên cho biết, đối với nghề trồng rau, giá phân bón khá mắc, nên từ khi vào tổ, được vay vốn sản xuất, chị em rất an tâm và phấn khởi, hăng hái tập trung gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật rau sạch, đa dạng hóa các loại rau (mùa nào rau nấy) để đạt hiệu quả kinh tế cao như mong muốn. Trước đây, khi chưa tham gia tổ nhiều chị em mua phân bón ở một số tiệm, người ta không muốn bán thiếu, vì sợ không có khả năng thanh toán. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, chị em trong tổ hoàn toàn chủ động được các khâu sản xuất từ hạt giống, phân bón đến tưới tiêu và cả đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo không bị tư thương ép giá như trước đây. Nhờ có mô hình này mà hầu hết chị em phụ nữ ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A đều thường xuyên có việc làm ổn định, giảm bớt thời gian nhàn rỗi, từ đó các tệ nạn xã hội như ghi số đề, đánh bài cũng giảm theo đáng kể. Theo cán bộ HPN xã Phú Thuận A cho biết, phương hướng sắp tới sẽ đề xuất UBND huyện, Phòng NN & PTNT mở các lớp kỹ thuật cho chị em học cách trồng rau theo phương pháp an toàn để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với vấn đề về nguồn vốn, HPN xã sẽ đáp ứng nhu cầu không phải vay mượn ở bên ngoài, bên cạnh đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau an toàn và tổ hùn vốn để chị em có nguồn thu nhập ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất cũng như tinh thần. Có thể nói, mô hình Tổ phụ nữ trồng rau an toàn ở xã Phú Thuận A đã thực sự mang lại hiệu quả kép: Vừa tạo được công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa bổ sunh kiến thức pháp luật cho chị em phụ nữ, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.