Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu): Vững bước đi lên
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:38 - 09/02/2016
Bà Nguyễn Hồng Hoa, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân
Là một huyện nghèo, nhất là trong điều kiện còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của mình mà trong năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân càng ngày được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng nhiều đổi mới... Cụ thể là về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong năm huyện đã xuống giống 39.045 ha lúa với tổng sản lượng lúa là 219.651 tấn, đạt 100% kế hoạch đề ra. Sản xuất rau màu thực hiện khá tốt, nhất là quan tâm đến việc trồng sau sạch. Tổng giá trị sản xuất 2.419 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, bằng 115,9% so với năm 2014. Xây dựng xong 5 trạm bơm điện phục vụ cho việc bơm tát ở các xã vùng nước ngọt.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển nghề lúa và giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất huyện đã thực hiện nhiều mô hình cánh đồng mẫu và liên kết với các Công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp người dân yên tâm tìm đầu ra cho cây lúa, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Huyện đã cho nạo vét được 59 tuyến kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng dài 92.477 m, với số tiền 11 tỷ 788 triệu đồng; thi công xây dựng 36 công trình giao thông nông thôn, dài 56.344 m, tổng vốn 22 tỷ 685 triệu đồng; duy tu, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cầu, đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được 6 tuyến đường bê tông, dài 14.400 m, số tiền 7 tỷ 476 triệu đồng. Nhìn chung, trong quá trình thực hiện công tác thủy nông nội đồng luôn được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, và các tổ chức, cá nhân nên thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển khá và tăng hơn so với năm 2014. Các làng nghề truyền thống tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật... từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Trao đổi với PV Báo LĐ&XH, bà Nguyễn Hồng Hoa, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Điểm mạnh của Hồng Dân trong những năm qua là đã nỗ lực thực hiện chuyển giao các nghiên cứu KHCN, cho ra đời được các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Cụ thể, Hồng Dân đã xây dựng mô hình nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn GAP, chọn được giống lúa mùa hạt tròn chịu được mặn (lúa sỏi), thử nghiệm trồng ổi Đài Loan trên đất cải tạo vườn tạp, nhân giống và nuôi thương phẩm cá chình, cá trê vàng... thành công trong thực tiễn. Có thể nói việc nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp tại huyện mang đầy “dấu ấn” của các tiến bộ khoa học, công nghệ.
Với quan niệm "cho cần câu hơn cho con cá", công tác chăm lo cho hộ nghèo cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Trong năm, chúng tôi đã tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn làm ăn, cất nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 4,24 xuống còn 2,72%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,08% xuống còn 1,45%”.
Cũng theo bà Hoa, là địa bàn có cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống đan xen, có đông đảo đồng bào là tín đồ các tôn giáo. Yếu tố xây dựng nền tảng chính trị vững chắc đã giúp Hồng Dân phát huy tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để tập hợp tuyên truyền, đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, đoàn kết giúp nhau xây dựng cuộc sống, quê hương Hồng Dân ngày càng giàu đẹp.
Nguồn gốc địa danh: Huyện Hồng Dân được đặt theo tên Trần Hồng Dân (1916-1946), người chiến sĩ cộng sản chống Pháp lúc bấy giờ.Trần Hồng Dân (tên thật là Trần Văn Thành) sinh năm 1916, tại ấp Vĩnh Lộc, xã Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).Thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936 - 1939, ông đảm nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội ái hữu của học sinh tại quận Phước Long. Tháng 5 năm 1937, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại chi bộ xã Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Tháng 4/1941, ông được điều động về công tác tại tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ). Tháng 5/1941, ông bị địch bắt, bị kết án 20 năm tù và đày ra Côn Đảo.Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vào tháng 9/1945, ông được vinh dự đi chuyến tàu đầu tiên cùng Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo về đất liền. Năm 1946, ông về công tác tại huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá. Tháng 6/1946, địch tập trung lực lượng, kéo vào càn quét xã Ninh Thạnh Lợi, gần cơ quan Huyện uỷ Phước Long. Trong quá trình chống trả quyết liệt với quân thù, ông đã anh dũng hy sinh.Ghi nhớ công lao của đồng chí Trần Hồng Dân, năm 1947 Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam bộ quyết định đổi tên huyện Phước Long thành huyện Hồng Dân. |