Sừng tê giác giả tràn ngập thị trường
- Dược liệu
- 16:58 - 07/08/2015
Rất khó để phân biệt được sừng tê giác thật và giả (làm từ sừng trâu).
Từng giáp mặt tê giác vẫn bị lừa
Ông Trần Văn Vinh, ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đến giờ vẫn chưa quên bị dính cú lừa đau đớn cách đây không lâu khi mua phải sừng tê giác rởm, dẫu ông Vinh đã từng giáp mặt với tê giác thật cách đây rất lâu. Ông Vinh kể: “Thời tôi còn thanh niên, ở Vườn quốc gia Yook Đôn (Đắk Lắk) còn có tê giác, khi ấy núi rừng hoang vu nên có lần tôi cũng đã được nhìn thấy tê giác rồi, nhìn ngắm rất lâu sừng của nó. Nhưng thời ấy nạn săn động vật hoang dã không như bây giờ nên chúng tôi chỉ ngắm nhìn vậy thôi”.
Gần đây sức khỏe của ông Vinh xuống dốc, nhiều căn bệnh trong người cứ tự nhiên mà phát ra. Nghe nhiều người đồn thổi sừng tê giác có công dụng khá đặc biệt, có thể chữa được bá bệnh nên khi nghe hai đối tượng là Trần Đức Bình (43 tuổi) và Đỗ Xuân Bảy (41 tuổi) nói mình có sừng tê giác chính hiệu. Không những thế bọn Bình còn quảng cáo, đã từng dùng thử và ngay cả bệnh ung thư cũng khỏi. Nếu ông Vinh muốn mua, Bình và Bảy sẽ bán cho một ít, không phải chiếc sừng nguyên vẹn nhưng công dụng vẫn rất tốt. Nhất là đối với các bệnh về xương khớp, suy hô hấp nặng mà ông Vinh đang mắc phải.
Về nhà tìm hiểu các thông tin về sừng tê giác trên mạng và đối chiếu với hình ảnh sừng tê giác mình đã thấy, với sừng tê giác của Bình và Bảy tiếp thị, ông Vinh đồng ý mua với giá 165 triệu đồng để chữa “bá bệnh”. Tuy nhiên, mài ra uống một thời gian bệnh vẫn hoàn bệnh, không hề có chút thuyên giảm nào cả. Ông Vinh tiếp tục uống thêm một thời gian, vẫn không khỏi nên mang chiếc sừng tê giác đi nhờ người kiểm nghiệm thì hóa ra đó chỉ là chiếc sừng trâu. Ông Vinh đã tố hai kẻ lừa đảo lên Công an huyện Buôn Đôn. Công an Buôn Đôn điều tra, phát hiện thêm Bình và Bảy đã dùng đủ chiêu trò tiếp thị để bán một chiếc sừng tê giác rởm cho ông Nguyễn Mừng, ở Ea Wer, huyện Buôn Đôn, với giá gần 130 triệu đồng.
Trùm buôn bán sừng tê giác Đoàn Duy Định (bên phải) cùng đồng bọn.
Đầu tháng 7/2015, ông Lê Văn Minh, ở đường Hoàng Văn Thụ (TP. Hồ Chí Minh) sau khi nghe quảng cáo về công dụng đặc biệt của sừng tê giác được săn bắt và đưa qua đường biên giới ở Tây Nguyên cũng lặn lội lên mua. Đối tượng bán sừng tê giác cho ông Minh quảng cáo rằng loại sừng này không thua gì thần dược cả, uống vào là có công hiệu ngay, bệnh tật nào rồi cũng bị đẩy lùi hết, không cần dùng đến các loại thuốc tây y. Cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh trong đêm, ông Minh bỏ 50 triệu đồng mua, mua về uống đã gần 10 ngày, nhưng không có công hiệu, mang đi nhờ kiểm tra thì là sừng trâu, liên lạc với đối tượng đã bán sừng... trâu cho mình thì số điện thoại không liên lạc được, ông Minh cũng không hề biết nhà các đối tượng đó ở đâu.
Bà Nguyễn Thị Linh, ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cũng dính quả lừa đớn đau. Bà cho biết, cách đây hơn 2 tháng được một đối tượng là Đoàn Duy Định (quê ngoài Bắc) cho thử một ít sừng tê giác thì thấy có công hiệu thật nên sau đó mua thì Định lại mang sừng giả ra bán cho khách nên sử dụng mãi cũng không có kết quả. Không chỉ buôn sừng tê giác mà Định còn trộn cả đồ giả vào bán cho khách.
Chữa bách bệnh chỉ là tin đồn
Theo TS Trần Văn Hậu, người chuyên nghiên cứu về các bài thuốc từ sừng tê giác thì, nếu nói sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh là hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học, thực tiễn cũng không có công dụng như thế. Hơn nữa đó lại là động vật quý hiếm đang cần được bảo tồn, cấm săn bắt. Nói chữa được cả bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác chỉ là hoang tưởng mà thôi.
Cũng theo ông Hậu, người ta từng thử nghiệm tác dụng trị liệu của sừng tê giác đã được thực hiện vào năm 1983 do các nhà nghiên cứu tại Hãng dược phẩm hàng đầu Hoffmann-LaRoche, và sau đó 25 năm là một nghiên cứu của Hội Động vật học London. Cả hai nghiên cứu đi đến kết luận tương tự: Sừng tê giác không chứa các hoạt chất đặc biệt nào có khả năng trị bệnh. Đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy nên xưa nay nhiều người tin vào sừng tê giác cũng chỉ là những tin đồn và truyền miệng trong dân gian mà thôi.
Nhiều tài liệu y học khác cũng chưa chứng minh được sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh. Tuy chưa có chứng minh rõ ràng bằng y học, nhưng nhiều người bán thuốc Bắc vẫn đinh ninh rằng, sừng tê giác được sử dụng trong gần 70 bài thuốc cổ dùng để trị các chứng viêm nhiệt; các trường hợp sốt cao, vật vã, mê sảng, co giật, phát cuồng, cầm máu và cường dương. Với các thuốc nổi tiếng, công hiệu cao như: An cung ngưu hoàng hoàn, tử tuyết đan, tê giác hoàn, tê giác địa hoàng giải độc... mà các thầy thuốc đông y không ai không biết đến. Khi chưa có thuốc kháng sinh hiện đại, một số trường hợp nhiễm trùng yếm khí như cam tẩu mã phải dùng đến sừng tê giác mới có công hiệu.
Ðặc biệt, được dùng trong các bệnh dịch như: Viêm não, nhiễm trùng nhiễm độc sốt cao, liệt dương và nhiều chứng viêm nhiễm khác. Cũng bởi vì vậy, nên khi nghe vị thuốc nào có thành phần sừng tê giác sẽ được rất nhiều người lùng mua.
Sừng tê giác hữa bách bệnh chỉ là tin đồn .
Biến sừng trâu thành tê giác
Theo khai nhận của ông trùm sừng tê giác Đoàn Duy Định, sừng tê giác chủ yếu được buôn từ bên kia biên giới về bán. Thỉnh thoảng hàng khan hiếm có nhiều khách hỏi mua thì mới độn một ít sừng trâu vào sau khi làm một vài thủ thuật để cho giống như sừng tê giác, chứ không mấy khi bán hàng giả cả. Còn đối với Đỗ Xuân Bảy, “kỹ nghệ” để biến sừng trâu thành sừng tê giác với gã khá thuần thục.
Gã cho biết, thường thì từng sợi, từng thớ của sừng tê giác to và thô hơn so với sừng trâu, bò. Sừng trâu, bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này. Để biến sừng trâu thành sừng tê giác thông thường phải bôi dầu và sáp lên sừng trâu; để tạo lông cứng ở gốc sừng trâu, bò cho giống với đặc tính của sừng tê giác, hoặc lấy lông cứng của loài khác rồi dính vào đó bằng keo công nghiệp. Cấu tạo sừng trâu, bò ở giữa có lõi trắng, phải nhuộm sừng trâu, sừng bò cho nó đen tuyền hết cả. Có những trường hợp để chắc ăn Bảy cùng đồng bọn còn sử dụng phần gốc sừng là của tê giác thật, có da và lông phủ hẳn hoi, sau đó khéo léo mài giũa, ghép phần ngọn là sừng trâu vào.
Tuy nhiên, theo Bảy thì nhiều cao thủ khác còn có nhiều cách biến hóa tinh vi hơn. Có điều bi hài là nhiều người lùng mua sừng tê giác để chữa bách bệnh và dính phải sừng trâu nhưng những đối tượng sừng sỏ trong việc buôn bán sừng tê giác cả thật lẫn giả như Đoàn Duy Định lại không mấy tin vào điều này. Định từng thừa nhận, chỉ đi buôn bán, vận chuyển chứ chưa sử dụng sừng tê giác dù trong người vẫn có một số vấn đề không tốt về sức khỏe.
Nhiều người chuyên nghiên cứu về sừng tê giác còn cho biết, các đối tượng biến sừng trâu thành sừng tê giác vẫn lén lút giao bán cho nhiều người hiện nay, nhất là TP. Hồ Chí Minh còn có chiêu thức mua một số hóa chất và dung dịch giống như sữa để tẩm vào sừng trâu. Khi mài ra thì có màu sữa giống như sừng tê giác thật để đánh lừa người mua.