THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:31

Huyền bí hồ Baikal

 

Hồ Baikal như chiếc gương khổng lồ với làn nước màu xanh ngọc bích trong trẻo và sâu thẳm,

Với diện tích 31.722 km2 cùng độ sâu 1.642m, hồ Baikal thuộc vùng Siberia (Nga) chiếm ba kỷ lục về hồ nước ngọt: tồn tại lâu nhất, lớn nhất và sâu nhất thế giới. Sâu thẳm dưới làn nước hồ lạnh lẽo, người dân địa phương tin rằng nơi đây ẩn chứa rất nhiều bí ẩn cổ xưa của loài người.

Điểm đến của UFO?

Mùa Đông năm 1982, bề mặt hồ đóng băng bỗng xuất hiện những vòng tròn kỳ lạ có đường kính lên tới 4,4km.

Người dân quanh hồ đồn đại rằng đây là dấu vết của những sinh vật ngoài Trái Đất. Tài liệu của hải quân Nga ghi lại cuộc gặp gỡ giữa một nhóm thợ lặn với người ngoài hành tinh vào năm 1982 tại hồ Baikal. Tài liệu cho hay: "Ở độ sâu 50 mét, các thợ lặn đã bắt gặp những người ngoài hành tinh đang bơi. Họ mặc những bộ quần áo bó sát màu bạc, đội mũ bảo hiểm và không có bất kỳ thiết bị lặn nào kèm theo người".

Một nhân viên cứu hộ tên là Vyacheslav Lavrentovich (bang Boryatia) cũng gặp phải sự cố với UFO (vật thể bay hình đĩa không xác định) vào năm 2007. "Chúng tôi đang đứng trên bờ hồ Baikal thì nhìn thấy vật thể bay hình đĩa có đường kính khoảng 500-700m cất cánh. Vật thể ấy có những ô cửa màu vàng và phát ra ánh sáng tím cực mạnh", ông cho biết. Mọi việc diễn ra nhanh đến mức ông không kịp lấy máy ảnh để chụp lại.

Tuy nhiên, những vòng tròn khổng lồ trên băng sau này đã được các nhà khoa học giải thích là hiện tượng do khí methane từ trầm tích dưới đáy hồ gây ra. Vào mùa Đông, lượng khí này không thể bay hơi nên ngấm vào băng và tạo ra các vòng tròn.

Năng lực siêu nhiên

Cũng vào năm 1982, nhà nghiên cứu vật lý Victor Dobrynin (Đại học Tổng hợp Yakut, Nga) đã phát hiện ra hiện tượng nước hồ Baikal phát sáng. Sau khi phân tích các mẫu nước, nhà khoa học này nhận thấy cường độ phát quang của hồ giảm theo chiều sâu và tăng dần từ tháng Một đến tháng Mười Một hàng năm. Mẫu nước tại vị trí sâu nhất, gần đảo Olkhon được ghi nhận mức phát quang tối thiểu: 100 photon/cm²/giây. Tuy nhiên, vẫn chưa ai có thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng này.

Người dân quanh vùng đồn đại rằng nước hồ có chứa năng lực siêu nhiên giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Vì thế, vào mùa Đông hàng năm, nhiều người thường đến đây để ngâm mình, bất chấp cái lạnh -5 độ C.

Không chỉ có vậy, mặt hồ Baikal từng xuất hiện vết nứt kỳ bí dài hàng trăm mét. Nhiếp ảnh gia Alexey Trofimov ở vùng Siberia kể lại: "Khi nhìn thấy những khe nứt ngay trên mặt hồ, tôi đã bị ám ảnh. Dường như, vết nứt ấy được tạo ra bởi một thế lực siêu nhiên".

Trên thực tế, lòng hồ Baikal có những khe sâu. Khi trời lạnh, độ sâu của các khe này tăng thêm, tạo ra vết nứt lớn trên mặt hồ.

Đa dạng và kỳ thú

Hồ Baikal là điểm du lịch hấp dẫn với hệ sinh thái đa dạng.

Dường như những câu chuyện ma quái càng làm cho hồ Baikal thêm... hấp dẫn. Ước tính có khoảng 50 nghìn du khách nước ngoài đến đây mỗi năm. Hồ được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1996.

Mặc dù quanh năm lạnh giá nhưng hệ động thực vật nơi này rất phong phú. Baikal là ngôi nhà của hơn 2.500 loài động thực vật, đa số là những loài đặc hữu không thể tìm kiếm ở nơi khác trên thế giới. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng như loài cá có thân trong suốt Golomyanka hay loài hải cẩu nước ngọt Baikal Nerpa …

Từ tháng Một đến tháng Năm hàng năm, mặt hồ Baikal đóng băng hoàn toàn. Độ dày của băng trên mặt hồ có thể đạt tới 1m và là nơi lý tưởng cho các cuộc thi marathon trượt băng, lễ hội băng đăng, hockey, đua chó kéo xe, đua mô tô tuyết… Ngoài ra, đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các nhà điêu khắc, nhà nghệ thuật tạo nên những tác phẩm đẹp trên băng.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev không ít lần lui tới hồ Baikal để nghỉ dưỡng. Nhưng nơi đây không chỉ dành cho giới lãnh đạo. Nếu là dân du lịch bụi, bạn có thể tìm một phòng ấm cúng trong nhà gỗ của người dân với giá khoảng 15 USD cho mỗi đêm.

Người Nga có câu: "Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo tồi". Tại sao không chuẩn bị những bộ đồ ấm áp và chinh phục Baikal hùng vĩ?

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh