THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:49

Huyện Anh Sơn (Nghệ An): Dân điêu đứng vì ớt cao sản

Người dân điêu đứng vì ớt ngày càng chín nhiều nhưng doanh nghiệp quay lưng.

Là đơn vị đầu tiên thử nghiệm đưa cây ớt vào trồng của huyện Anh Sơn, xã Hoa Sơn đã ký hợp đồng với 1 Cty xuất khẩu nông lâm sản ở Thanh Hóa để bao tiêu sản phẩm. Năm đầu, Cty này thực hiện bao tiêu hết sản phẩm đã đưa lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. Mỗi sào ớt đem lại từ 8 đến 10 triệu đồng, cao gấp 3 đến 4 lần trồng ngô.

Từ một vài hộ nhỏ lẻ, vụ ớt 2015 - 2016 toàn xã có đến 122 hộ tham gia trồng với gần 12ha. Với 1 sào năng suất 1,5 tấn quả, năm nay dự tính nông dân có thể thu hoạch đến 360 tấn ớt. Tuy nhiên, với việc công ty ngừng thu mua, ớt thu hoạch ứ đọng làm cho nhiều hộ dân điêu đứng. Bà Nguyễn Thị Hà,  xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, buồn bã: “Nắng lên, ớt chín nhanh không bán được, mới đây, bứt khoảng 2 tạ về bán với giá 2.000 đồng/ kg. Chỉ ít nữa thôi là phải đổ chứ ăn thì không hết, cho thì cũng không ai lấy vì cay...”

Không chỉ có Hoa Sơn mà trên địa bàn huyện Anh Sơn còn 5 xã khác là Tường Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Đức Sơn và Vĩnh Sơn tham gia chuyển đổi trồng ớt cay trong niên vụ 2015 - 2016 cùng chung cảnh ngộ. Toàn huyện có hơn 30ha khi vào vụ thu hoạch có đến hàng nghìn tấn quả. Vì vậy, việc doanh nghiệp ngừng thu mua đã gây khó cho nông dân. Không những thế, doanh nghiệp này còn nợ tiền của nông dân trồng ớt chưa trả hết, và cũng không biết khi nào mới trả.

Không còn hy vọng, nông dân Anh Sơn đành đổ bỏ thành quả lao động của mình.

Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết : “Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra  ra Thanh Hóa bàn với doanh nghiệp để tháo gơ, nhưng do khó khăn quá nên hiện nay doanh nghiệp này vẫn chưa giải quyết được hậu quả”. Để có thu hoạch, mỗi hộ dân phải chi phí cho 1 sào ớt khoảng 2,8 triệu đồng. Tuy nhiên, với thực trạng này, nhiều hộ dân đã cay đắng đổ bỏ thành quả lao động của mình...

Hiện nay, hầu hết các hộ dân tham gia trồng ớt cay ở Anh Sơn đã phải phá  bỏ để canh tác ngô. Câu chuyện trên có trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.

Còn người dân lại thêm một vụ mùa cay!   

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh