4000 tấn hải sản đông lạnh hậu Fomosa: Hủy hay ăn?
- Y học 360
- 22:36 - 28/08/2016
4.000 tấn hải sản tồn kho đông lạnh
Ngày 27/8, Bộ TN&MT tổ chức hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ TN&MT” tại tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Tại hội nghị, ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho 4 phương án khai thác thủy hải sản vùng biển từ Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên- Huế mà Bộ NN&PTNT đề xuất, lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung còn bày tỏ nhiều lo lắng khi hiện có một số lượng hải sản rất lớn, trong đó có cả hải sản được thu mua sau hiện tượng cá chết do Formosa xả thải đang tồn lại trong các kho đông lạnh, nhưng các doanh nghiệp, chủ cơ sở chưa biết phải xử lý như thế nào.
Ngư dân ven biển miền Trung điêu đứng sau sự cố môi trường biển khiến tôm, cá chết hàng loạt. Ảnh: CAND
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nhiều địa phương của tỉnh vẫn đang lưu tồn một lượng cá lớn trong các kho đông lạnh.
Do không xác định được thời điểm tôm, cá bị chết, người tiêu dùng đang lo ngại liệu tôm, cá có an toàn hay không nên hải sản đông lạnh bán không ai mua, người dân rất mong các Bộ, ngành có hướng giải quyết kịp thời.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình cũng có khoảng 2.000 tấn hải sản tồn lưu trong các kho đông lạnh.
Theo ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nhiều chủ cơ sở thu mua hải sản trước và sau thời điểm sự cố môi trường biển đều gặp khó khăn, nhiều cơ sở lâm vào nợ nần do hải sản bán không ai mua.
Trong khi đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề xuất rằng: "Cần tiêu hủy các kho hải sản đông lạnh được thu mua trước thời điểm tháng 6. Còn hải sản tồn kho được thu mua sau tháng 6 cần được kiểm tra, kiểm nghiệm cụ thể".
Vẫn chưa biết được ăn cá đã an toàn hay chưa
Trước đó, sáng 22/8, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN&MT phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố kết quả, đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT công bố rõ ràng: Hải sản đã an toàn hay chưa? Vùng biển nào được phép đánh bắt?
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng mong muốn Bộ TN&MT công bố kết quả nghiên cứu rộng rãi để người dân được biết. Trong đó phải làm rõ nồng độ các chất độc trong hải sản như thế nào.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận, đến thời điểm này kết quả công bố chưa được đầy đủ, chưa giải đáp hết thắc mắc người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy diễn biến chất lượng nước biển, phục hồi sinh thái, khả năng tự làm sạch, kiến tạo... để đi đến kết luận những chất ô nhiễm đang được làm sạch, tự đào thải.
Về câu hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm và ăn cá đã an toàn chưa, Bộ trưởng Hà cho biết, hiện tại chưa có câu trả lời và phải cho Bộ Y tế thêm thời gian.
“Dựa trên cơ sở công bố hôm nay, Bộ Y tế sẽ có kết luận toàn diện về vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy mong bà con lưu ý. Bộ Y tế cần thêm thời gian và thận trọng, nên khi có đầy đủ số liệu, Bộ Y tế sẽ công bố ngay việc cá ăn được hay chưa”, ông Hà nói.