Huy động mọi nguồn lực để lao động tự do tiếp cận được các gói hỗ trợ
- Dược liệu
- 13:41 - 21/08/2021
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là một trong những vấn đề lãnh đạo TP rất quan tâm và ưu tiên trước hết trong giai đoạn này, để không có trường hợp người dân phải đói, thiếu ăn. TP.HCM đang cố gắng đưa các gói cứu trợ đến tay người dân sớm nhất.
Trên tinh thần đó, TP HCM đã có 2 đợt hỗ trợ với tổng số tiền 913 tỷ 839 ngàn đồng. Bên cạnh đó, TP cũng triển khai nhiều khoản chi khác như: Hỗ trợ cho các hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động (gần 12 tỷ đồng); hỗ trợ thương dân tại các chợ truyền thống gặp khó khăn (gần 26 tỷ đồng); hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp cho hơn 2,3 triệu người lao động (1.060 tỷ đồng); hỗ trợ tạm ngừng đóng phí hưu trí và tử tuất (187 tỷ đồng); hỗ trợ viên chức trong hoạt động nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động, hướng dẫn viên du lịch, người lao động sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân… (hơn 140 tỷ đồng); hỗ trợ 43.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (47,5 tỷ đồng).
Trong khi những người dân đang tự tìm mọi cách để giúp nhau vượt qua khó khăn, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng được nhiều địa bàn cơ sở thực hiện khá hiệu quả. Chẳng hạn như phường Bình chiểu, TP Thủ Đức. Đây là địa bàn có rất nhiều người nghèo và lao động mất việc vì Covid-19 đều nhận được hỗ trợ đợt 1, đợt 2 và đang chờ đợt 3. Theo Chủ tịch phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức cho biết, tính đến thời điểm hiện tại phường đã chi hỗ trợ xong đợt 1, riêng đợt 2 đã chi 3.150 trường hợp với số tiền 4,725 tỷ đồng. Trong đó, hộ nghèo và hộ cận nghèo 231 hộ với số tiền 346,5 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn H. (công nhân, đang thuê trọ tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) cho biết: "Khi dịch bùng phát, tổ trưởng khu phố đã đi tận nhà người dân, lấy thông tin, bản thân gia đình tôi được bác tổ trưởng ghi nhận thông tin và được nhận tiền hỗ trợ đợt 1. Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, gia đình tôi không biết phải xoay xở thế nào trong những tháng qua".
Tuy vậy, vẫn còn nhiều người chưa may mắn, chưa tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ của chính quyền thành phố. Đơn cử như trường hợp anh Trần Văn Tr. ( 40 tuổi, tổ 38, khu phố 3, phường 13, Quận Bình Thạnh), là trụ cột của gia đình, trước đây trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ 200.000 đến 500.000 đồng từ chạy xe ôm công nghệ. Nhưng khi dịch bùng phát, thành phố giãn cách, ít người đi, có khi cả ngày anh không chạy được chuyến nào. Đầu tháng 7, phần vắng khách và khu trọ lại bị phong toả kéo dài do phát hiện ca nhiễm, anh tắt ứng dụng, chấp nhận ở nhà.
"Sau đó, tổ dân phố có xuống lấy danh sách để nhận tiền hỗ trợ, tuy nhiên, cho đến hiện tại gia đình tôi cũng như cả tổ 38 khoảng 330 hộ vẫn chưa ai nhận được tiền hỗ trợ.
Trong căn phòng nhỏ trên đường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân,TP.HCM), chị Nguyễn thị minh Ng. (35 tuổi) than thở. Từ đầu năm đến nay, thu nhập của gia đình từ việc bán trái cây. Tuy nhiên, từ đầu năm tới giờ theo diễn biến của dịch Covid-19 và giãn cách của TP nên nghỉ ở nhà không bán.
Trước đây, cứ 4h sáng hàng ngày chị Nga ra chợ đầu mối chở sầu riêng về bán. Mỗi tháng trừ tiền thuê mặt bằng thì cũng kiếm được 5 đến 7 triệu đồng. Cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình ba người. "Mấy tháng nay dịch nên nghỉ bán, ở nhà không có tiền trang trải phải đi vay mượn khắp nơi. Giờ khó khăn chồng chất, tiền mua gạo cũng không còn, cả tháng nay gia đình toàn đi nhận lương thực hỗ trợ từ các mạnh thường quân". Chị Ng. buồn bã nói.
Chị Ng. chia sẻ, hàng ngày đọc báo và xem ti vi, thấy thông tin mới biết Chính phủ và UBND TP.HCM đang triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân khó khăn vì dịch Covid-19. Nhưng không biết cách nào để tiếp cận được gói hỗ trợ này và cũng không có ai hướng dẫn hay thông báo đến người dân. Gia đình cũng không nhận được thông tin hướng dẫn nào từ tổ dân phố cũng như chính quyền địa phương.
Cùng hoàn cảnh như chị Ng., anh Trần Hồng S. (SN 1978, quê Bến Tre – tạm trú tại phường xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè), là lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động chia sẻ: "Từ khi biết thông tin Chính phủ và UBND TP.HCM có các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn, trong đó có lao động tự do mình và nhiều người trong khu nhà trọ đã nhiều lần làm hồ sơ gửi lên phường. Cho đến nay đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ".
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, TP chủ trương giúp đỡ tất cả người dân khó khăn bằng nhiều cách khác nhau, chứ không chỉ những trường hợp theo Nghị quyết 09. Qua nhiều kênh thông tin, khi người dân phản ánh rất bí bách mà chưa được giúp đỡ, thành phố chỉ đạo địa phương liên hệ trực tiếp giải quyết ngay.
Và việc hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ thực hiện nhiều tuần, nhiều tháng tới. Hiện thành phố huy động mọi nguồn lực từ người dân thành phố, cả nước, bằng ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Phó chủ tịch UBND TP. HCM nhấn mạnh.
Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM quy định, lao động tự do mất việc vì dịch sẽ được hỗ trợ nếu làm một trong 6 loại công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc thuộc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 1749 ngày 30/5/2021. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày.