THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Hướng tới an sinh xã hội cho toàn dân

Thành tựu trong thực hiện ASXH

Suốt nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. Chính sách ASXH được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội và là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Với đường lối nhất quán đó, những năm qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm ASXH, quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào DTTS, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, chăm lo đời sống và tạo cơ hội phát triển cho các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam ở tầm quốc gia đã thu được những kết quả tốt đẹp, được dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao, nhất là xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở miền núi, vùng đồng bào DTTS. Những thành tích mà Việt Nam đạt được về phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện BHYT cho người dân, khám chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế... là  minh chứng về những nỗ lực không ngừng của nền quản trị trong việc thực hiện và từng bước bảo đảm ASXH cho mọi người dân.

TS. Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội


Từ chỗ là những chính sách đơn lẻ, manh mún, chủ yếu ở hình thức văn bản dưới luật, đến nay Việt Nam đã định hình rõ ràng khung khổ pháp luật về ASXH phù hợp với cấu trúc hệ thống ASXH theo mô hình đa tầng, với hàng chục bộ luật, luật, nghị quyết quan trọng về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội… tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa trách nhiệm bảo đảm quyền ASXH cho mọi người dân. Đặc biệt, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã ghi nhận và khẳng định quyền ASXH là một quyền cơ bản của công dân, là một bước tiến lớn về thể chế. Cùng với đó, Điều 59 Hiến pháp cũng xác định rõ trách nhiệm “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH”.

Trải qua quá trình vận động tích cực, cấu trúc hệ thống ASXH ở Việt Nam hiện nay ngày càng tương thích và phù hợp với quan niệm về ASXH của Tổ chức Lao động Quốc tế trong Công ước 102 về quy phạm tối thiểu; phạm vi bao phủ của các chính sách an sinh ngày càng được mở rộng mạnh mẽ. Bộ luật Lao động sửa đổi (năm 2012) tiếp tục phát triển thị trường lao động, tăng cường điều kiện hoạt động của các đối tác tham gia thị trường lao động. Luật Việc làm (ban hành lần đầu, năm 2013) lần đầu tiên Việt Nam có Bộ luật hướng đến khu vực kinh tế phi chính thức; tiếp tục mở rộng cơ hội cho NLĐ tham gia BH thất nghiệp (mọi lao động làm việc trong các doanh nghiệp có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia BH thất nghiệp).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2013) chuyển từ bao phủ toàn dân sang BHYT bắt buộc đối với toàn bộ dân cư theo mô hình hộ gia đình; mở rộng sự tham gia của người dân vào BHYT (hoàn thiện chế độ đóng, chế độ hưởng và điều kiện hưởng BHYT tốt hơn, thuận lợi và công khai, minh bạch); mở rộng đối tượng được Nhà nước bảo hộ một phần và toàn phần để tham gia BHYT. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 79%, vượt 3% so với chỉ tiêu Quốc hội giao (76%) và xấp xỉ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao đến năm 2020. Luật BHXH sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc cho cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; tăng cường chế tài đối với hành vi trốn đóng BHXH; hoàn thiện chế độ BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của lao động trong khu vực phi chính thức; đề xuất giải pháp khuyến khích NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH có sự hỗ trợ của Nhà nước; hiện đại hóa công tác quản lý đối tượng tham gia BHXH. Số người tham gia BHXH có tăng lên, dự kiến đến hết năm 2016 có khoảng 24,5% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và khoảng 20% tham gia BH thất nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi tặng bò cho người nghèo.

 

Thách thức bảo đảm ASXH trong thời kỳ mới

 Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng được quốc tế và nhân dân ghi nhận nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc rất đáng lưu ý. Vẫn còn những chính sách thể hiện đậm nét cơ chế bao cấp. Chiến lược ASXH chưa hướng vào mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự chống đỡ của người dân. Độ bao phủ của hệ thống ASXH còn thấp, đối tượng hẹp, chưa khắc phục được bất bình đẳng. Ngoài ra, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và năng lực nội tại của nền kinh tế đặt ra cho đất nước những thách thức mới trong quá trình thực hiện Chiến lược ASXH. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp.

Đến hết năm 2014, cả nước có gần 4,415 triệu người từ 55 tuổi trở lên hưởng an sinh tuổi già (gồm 2,2 triệu người hưởng chế độ hưu trí, 1,6 triệu người già trên 80 tuổi và 670.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp tuổi già). Tỷ lệ người hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng khoảng 3% dân số, nhưng đời sống còn khó khăn do mức trợ cấp thấp.

Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện Luật BHXH gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt khoảng 70% so với quy định pháp luật. Nếu tính tuân thủ pháp luật cao thì sẽ có thêm khoảng 6 - 7 triệu lao động thuộc khu vực chính thức sẽ tham gia bảo hiểm; thúc đẩy việc tiếp cận tạo cơ hội, điều kiện tham gia BHXH tự nguyện cho khoảng 37 triệu lao động là nông dân, người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức; bố trí ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhằm tạo cơ chế khuyến khích NLĐ khu vực không có quan hệ lao động tham gia khi chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (sau 8 năm thực hiện, kể từ năm 2008 đến nay, BHXH tự nguyện mới chỉ có khoảng 300.000 người tham gia). Điều này cho thấy mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% tham gia BH thất nghiệp vào năm 2020 là rất khó khả thi. Bên cạnh đó, mục tiêu BHYT toàn dân vẫn còn là thách thức với hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT; chất lượng chăm sóc y tế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức và là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới. Đặc biệt với chính sách bảo hiểm hưu trí - vốn được coi là trụ cột của hệ thống ASXH - đòi hỏi phải tiếp tục cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già, tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn. Hiện Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số. Tuy nhiên, quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh và một tỷ trọng lớn dân số già vẫn chưa có lương hưu, hưởng trợ cấp xã hội khi tuổi già. Đây là những thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách ASXH, đảm bảo tính bền vững của hệ thống hưu trí trong tương lai.

Trên thế giới không có quốc gia nào tự cho rằng hệ thống ASXH của mình là đầy đủ và hoàn thiện. Hệ thống ASXH, với ý nghĩa tốt đẹp của nó, luôn được đặt trong quá trình vận động, cải cách, mở rộng nhằm hướng tới sự bảo vệ toàn diện, đầy đủ hơn cho người dân. Là một quốc gia đang phát triển, hệ thống chính sách, pháp luật về ASXH của Việt Nam đang đòi hỏi phải có sự đổi mới tích cực để đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH và hội nhập quốc tế, phúc đáp tốt hơn quyền được bảo đảm ASXH của mọi người dân.

Trong thời gian tới, các chính sách về lao động, việc làm, BHXH, BHYT vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để tăng độ bao phủ an sinh cho NLĐ, người dân, đặc biệt là NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức, nông dân. Với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động (khoảng 29 triệu lao động) và BH thất nghiệp đạt 35% lực lượng lao động; phấn đấu tiếp tục tăng diện bao phủ của BHYT đạt 90% dân số vào năm 2020.

Do vậy, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, hướng dẫn, vận động người dân, người lao động, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng phải tăng cường chỉ đạo công tác đốc thu BHXH để đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định pháp luật; kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ đóng BHXH từ phía các doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đảm bảo tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền được giao.

TS. Bùi Sỹ Lợi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh