Hưởng lợi từ những chương trình tín dụng 'xanh'
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:46 - 23/03/2017
Thoát nghèo từ trồng rừng
Từ năm 2005, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hỗ trợ NHCSXH triển khai thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp cho các hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật để trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và chống biến đổi khí hậu. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Hoạt động của dự án cũng đã có đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo của Việt Nam. Mặt khác dự án đã tạo ra mô hình quản lý phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó đẩy mạnh bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng và đẩy mạnh đóng góp của lâm nghiệp vào nền kinh tế...
Ông Cao Dựa, ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH để trồng 4,2 ha rừng.
Sau 5 năm kể từ khi vay vốn của dự án tôi đã có thu nhập 90-100 triệu đồng mỗi ha sau khi đã trừ đi chi phí cây giống, phân bón, lãi suất. Tôi đã trả hết nợ cho NHCSXH và còn đủ tiền xây nhà mới và mua sắm đồ dùng thiết yếu”.
“Đến nay, đây là dự án đầu tiên, và cũng là dự án duy nhất ở Việt Nam cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo trồng rừng, là hình thức được chứng minh bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng,” bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia Cao cấp về Môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm dự án cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù dự án kết thúc vào tháng 3/2015 nhưng Quỹ quay vòng do NHCSXH quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa. Vì vậy, rất nhiều hộ gia đình sẽ còn được tiếp cận đến nguồn tín dụng này.
Quan tâm đến vùng đặc biệt khó khăn
Cùng với đó, NHCSXH đang bắt đầu triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (không phân biệt giàu nghèo), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển rừng được vay vốn từ NHCSXH để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.
Chương trình này sẽ tạo ra bước đột phá giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, phát triển ngành nghề dịch vụ nông lâm trường trong đó ngoài phần vốn vay còn được Nhà nước hỗ trợ cho phương thức đầu tư, cấp đất để đầu tư và có đầu ra cho sản phẩm của hộ dân.
Điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn để thực hiện chương trình này. Do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong năm 2015 và 2016, một số chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ dân tộc thiểu số do NHCSXH thực hiện chưa được cấp vốn đủ và kịp thời.
Mong sao, các cấp chính quyền bộ ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho NHCSXH để kịp thời cho vay, từ đó mới đáp ứng được lòng mong mỏi của hộ vay, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số an tâm, mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất làm giàu trên chính quê hương của mình...