Hương giang vọng tiếng Nam Ai, Nam Bình
- Văn hóa - Giải trí
- 15:32 - 11/02/2016
Buổi biểu diễn ca Huế trên sông Hương của các ca sĩ trẻ.
Khi bàn về ca Huế, Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân từng viết: “Giữa một trời mây nước bồng bềnh, chơi vơi một giọng hò ai ngân, ai hát khiến lòng du khách giữa đêm thanh tịnh càng cảm thấy mình được siêu thoát, được thăng hoa, được chắp cánh bay tới vầng trăng kia...”
Chúng ta được biết đến TP Huế, đến xứ Thừa Thiên là kinh đô dưới thời phong kiến triều Nguyễn, với hệ thống kinh thành, đại nội, lăng tẩm, chùa chiền đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; là nơi có những danh lam thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hùng vỹ như rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, sông Hương, núi Ngự, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai,…
Huế còn là quê hương của nón bài thơ, của cầu Trường Tiền “sáu dải mười hai nhịp” nổi tiếng. Ở Huế còn một Di sản Văn hóa phi vật thể mang tầm quốc gia nữa đó chính là ca Huế. Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế, những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân Cố đô.
Nhạc sư Nguyễn Hữu Ba nhận xét: "Ca Huế phát sinh từ miền sông Hương, núi Ngự. Có thể nói rằng những nhạc điệu của ca Huế là do tiếng mái chèo khuấy nước của cô gái Kim Long, từng bước chân của nàng cung phi trong vườn ngự, tiếng gió mùa xuân thổi trên khóm hoa hồng hạnh hoà hợp lại mà tạo nên.
Giọng Huế lả lướt những âm phụ xa vời, gợi cho lòng ta những niềm vui êm sáng, những nỗi buồn mênh mang và một tình yêu nước thương nòi vô cùng tha thiết". Ca Huế là loại hình nghệ thuật có thể thoả mãn nhu cầu của nhiều đối tượng từ giới phong lưu đến những người dân lao động với những bài Nam Ai, Nam Bình, điệu Lý Hành Vân được chuyển sang điệu Tương Tư Khúc nghe rất hài hoà thấm đậm, chất dân gian và bác học hoà quyện vào nhau, gieo vào lòng người nghe những cảm giác bồi hồi, xúc động.
Nỗi lòng công chúa Huyền Trân, được thể hiện trong nhạc khúc Nam Bình “Tình phân ly”.
Ngày nay du khách đến Huế sẽ được thưởng thức ca Huế, để đắm mình trong những điệu Nam Ai, Nam Bình sâu lắng. Việc đưa ca Huế xuống sông Hương biểu diễn là ý tưởng của Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Thời kỳ đầu, ca Huế trên sông Hương bị mang tiếng thị phi vì có một vài ca sĩ kiêm luôn cả việc “tiếp khách”. Nhưng dịch vụ ca Huế trên sông Hương hiện nay đã được quy hoạch và phát triển một cách bền vững, có chất lượng, thay vì làm tự phát và mang tai tiếng như thuở ban đầu. Với xu thế phát triển du lịch, lớp trẻ ở Huế theo học loại hình ca Huế ngày càng nhiều.
Tính đến nay, có khoảng 500 nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản và được cấp giấy phép biểu diễn ca Huế. Trò chuyện với chúng tôi, Như Mai, ca nương trẻ khiêm tốn nói rằng: “Thế hệ trẻ chúng em hiện nay chưa thể đạt được đến trình độ của lớp nghệ sĩ ca Huế tên tuổi nổi tiếng như Kim Vàng, Thanh Tâm, Minh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên… nhưng chúng em sẽ nỗ lực hết mình để góp phần bảo tồn và phát triển ca Huế.”
Hát đối đáp dí dỏm.
Dù rằng ca Huế trên Hương giang hiện đã bị thương mại hóa và không được đánh giá cao bằng ca Huế thính phòng, nhưng chính mô hình này lại đang góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của Cố đô Huế. Ca Huế trên sông Hương không quá chọn đối tượng nên dù là ai, khi đã bước chân xuống mạn thuyền rồng, trong không gian tĩnh mịch giữa trời, mây, sông, nước cũng sẽ cảm nhận cái chất Huế qua những âm điệu trầm bổng, du dương từ giọng hát của các ca sĩ Huế hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách…Và dù là ca Huế trên sông thì khi bắt đầu một buổi biểu diễn, dàn nhạc cũng sẽ cùng hòa tấu 4 nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ để mở đầu. Tiếp đến sẽ là những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc mang âm sắc tươi vui, sang trọng để tạo nên không khí thoải mái cho du khách. Trời càng về khuya, không gian trên sông càng trở nên tĩnh mịch cũng là lúc những nhạc khúc thuộc về điệu Nam nghe man mác, buồn thương vọng lên réo rắt hòa quyện như muốn níu du khách ở lại với Huế, với dòng Hương giang.