THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:26

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá

5 chương trình trọng tâm

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hoá, ngay từ đầu Đại hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện ngay 5 chương trình trọng tâm, đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động

Có thể thấy trong cả một nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá và cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, nhịp nhàng, hành động quyết liệt, giữ vững được tình hình ổn định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều nghị quyết, chính sách đậm hơi thở cuộc sống đã được người dân, xã hội phấn khởi đón nhận, như các nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường; nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, các chính sách khuyến khích,  hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chương trình việc làm giai đoạn 2016 – 2020...

Năm 2020, là năm tăng tốc trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 - 2020, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao trong ý chí, quyết liệt trong hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã tập trung cao cho việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; nhất là vai trò, trách nhiệm thực hiện của người đứng đầu; cương quyết xử lý nghiêm theo quy định những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng đến phong trào chung của tỉnh Thanh Hoá.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá - Ảnh 2.

Một góc thành phố Thanh Hoá về đêm

Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân hàng năm, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, đều đạt và vượt kế hoạch.

Xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả cao. Đến nay, toàn tỉnh Thnah Hoá đã có 6 đơn vị cấp huyện, 376 xã và 950 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới (tăng 6 đơn vị cấp huyện, 263 xã so với năm 2015); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 64,46%, vượt mục tiêu Đại hội; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã, tăng 5,2 tiêu chí so với năm 2015; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh: Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng lên 106.000ha. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện.

Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được 249 dự án (35 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 47.427 tỷ đồng và 3.300 triệu USD, nâng tổng số dự án thu hút vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp lên 606 dự án (57 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13.246 triệu USD.

Đến nay, đã có 411 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, da giày. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp dự kiến đạt 577.034 tỷ đồng, vượt 30,8% kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8.576 triệu USD, vượt 39% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước đạt 56.379 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 104.000 lao động.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá - Ảnh 3.

Cảng nước sâu Nghi Sơn (Ảnh: KKT Nghi Sơn cung cấp)

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả rõ nét, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn: Sản xuất có bước phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chuyển biến rõ nét; thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2020 dự kiến đạt 1,71 triệu đồng/người/tháng, gấp 2,5 lần năm 2015, đạt kế hoạch.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 13,51% năm 2016 xuống còn 3,27% năm 2019, bình quân hàng năm giảm 2,56%/năm, đạt kế hoạch. Đã có 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 11 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 127 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 39 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực: Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Thanh Hoá đã đào tạo, cung ứng cho thị trường 410.600 lao động, vượt 3,7% kế hoạch, trong đó các cơ sở giáo dục đại học đào tạo 18.000 người, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 392.600 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 dự kiến lên 70% năm 2020, đạt kế hoạch.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có chuyển biến rõ rệt; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 96% cán bộ công chức cấp xã và 99,5% viên chức đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Các ngành chức năng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho 72.600 người, trong đó có 28.500 doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý, điều hành các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực được bố trí, sử dụng hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá - Ảnh 4.

FLC Sầm Sơn

Phát triển du lịch cũng đã đạt nhiều kết quả, làm thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh: Tỉnh Thanh Hoá đã đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ; hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (GĐ 1), các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa.

Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, khai thác. Công tác kiểm soát giá, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được tăng cường; chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực, diện mạo và vị thế du lịch của tỉnh được nâng cao, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến ngành du lịch đón 42,58 triệu lượt khách, vượt 0,7% kế hoạch (khách quốc tế 1,28 triệu lượt người, vượt 1,6% kế hoạch); tổng doanh thu đạt 59.946 tỷ đồng, vượt 0,2% kế hoạch.

4 khâu đột phá

Khâu đột phá về phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tỉnh đã tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, cơ chế, chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 để vận động, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 68 dự án hạ tầng lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp điện, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư 71.900 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đầu tư, đưa vào sử dụng30; đồng thời đang triển khai thực hiện một số dự án lớn.

Hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX: Bài 2: Tăng tốc với 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá - Ảnh 5.

Đầu tư xây dựng đường giao thông các tuyến QL trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Đã thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Trung tâm Đào tạo chuyển giao công nghệ thông tin; các phòng thí nghiệm, thử nghiệm của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp được đầu tư nâng cấp. Đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các kỹ thuật mới, phức tạp trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai tăng mạnh, trong đó có 33 nhiệm vụ cấp quốc gia, gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Đã có 44 sản phẩm của tỉnh được xây dựng tiêu chuẩn và được bảo hộ về sở hữu trí tuệ; 100% dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường được thẩm định công nghệ theo quy định. Nguồn nhân lực khoa học công nghệ tăng về số lượng, chất lượng được nâng cao; xây dựng được 4 nhóm chuyên gia khoa học công nghệ trên các lĩnh vực nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin; toàn tỉnh hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 8% so với năm 2015. Kinh phí từ ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ trong giai đoạn 2016 - 2020 gấp 1,4 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa và các trung tâm hành chính công cấp huyện. Đưa vào sử dụng, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 177 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện. Các chỉ tiêu quan trọng trong cải cách hành chính được cải thiện; thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định của Trung ương, góp phần giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Khâu đột phá về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ: Các cấp ủy đảng đã rà soát, củng cố các tổ chức đảng yếu kém; tập trung cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 38-KL/TW ngày 13-11-2018 của Bộ Chính trị về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên"; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh hàng năm đạt trên 45%, đạt mục tiêu Đại hội. Triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp.

Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Thanh Hoá đã chú trọng xây dựng các quy hoạch, định hướng rõ về sự phát triển; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đi vào hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế, đã tạo ra động lực lớn, sự đột phá, sức lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 3: Dấu ấn một nhiệm kỳ

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh