CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:10

Nhân lực ngành du lịch: Vừa thiếu vừa yếu

 

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch bởi sau 10 năm thực hiện cho thấy, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, các đại biểu nhận định dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có độ thông thoáng nhất định theo định hướng cơ chế thị trường và cơ bản khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, một số quy định liên quan đến việc xếp hạng cơ sở lưu trú, quản lý nhà nước về du lịch, chất lượng hướng dẫn viên… cần phải xem xét, cân nhắc lại.

Cần thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ cho hướng dẫn viên

Theo  đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho biết, thực trạng nghề hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa yếu, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Theo thống kê, cả nước chỉ có 9.500 hướng dẫn viên quốc tế, phục vụ cho 8 triệu khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam và  6 triệu khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch trong 1 năm. Chỉ có 7.150 hướng dẫn viên nội địa phục vụ cho hơn 45 triệu khách du lịch trong một năm. Ước tính, để phục vụ lượt khách trên cần tối thiểu 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa.

Theo đại biểu, một trong những bất cập trên là do quy định liên quan đến việc cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch năm 2005. Lực lượng này còn yếu về vốn kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tình huống đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp, phần lớn các cơ sở đào tạo có chuyên ngành hướng dẫn là trường trung cấp, đại học được mở mã ngành Việt Nam học hoặc ngành quản trị du lịch dịch vụ lữ hành, do đó việc đào tạo và giảng dạy vẫn chưa được chuẩn hóa.

Cũng theo đại biểu, tình trạng hướng dẫn viên chui xuất hiện nhiều tại điểm du lịch nổi tiếng. Cá biệt có những hướng dẫn viên du lịch chui là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam như trường hợp ở thành phố Đà Nẵng vừa qua.

“Luật mới chỉ khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ, chưa có quy định về kiểm tra kiến thức, kỹ năng cho hướng dẫn viên. Việc cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch cũng không có yêu cầu cập nhật thêm kiến thức mới cho hướng dẫn viên phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn. Dự thảo Luật cũng không có điều khoản cấm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và các quy định về chế tài xử lý cụ thể đối với những người này (nếu có sai phạm). Bởi vậy, cần bổ sung quy định, tổ chức thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nhân lực xin cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch, tạo điều kiện cho người có nhu cầu tự học và hành nghề”, đại biểu nói.

Cũng cùng quan điểm trên, đại biểu Dương Ngọc Ánh (Hà Nội) cho rằng, yếu con người luôn là yếu tố quyết định, muốn thúc đẩy ngành du lịch, cần phải đầu tư cho con người, trong đó tập trung nâng cao trình độ, năng lực thông qua đào tạo, đánh giá chất lượng để đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.

 

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai lo ngại nhân lực ngành du lịch Việt Nam có thể mất việc ngay trên sân nhà

 

Đồng tình với nhận định của đại biểu Triệu Thanh Dung về chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của nước ta hiện nay, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, đặc biệt kể từ khi cộng đồng ASEAN chính thức đi vào vận hành, bên cạnh hàng hóa, dịch vụ thì lực lượng lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ tốt sẽ tràn vào Việt Nam và nhân lực du lịch của chúng ta có thể mất việc ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, ngoài những quy định của Luật giáo dục về vấn đề này, ngay trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) cũng cần thiết kế những quy định và yêu cầu riêng cần có về nhân lực du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng.

Phải có thanh tra chuyên ngành du lịch

So với Luật Du lịch 2005, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã bỏ quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, ngành du lịch đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến công tác hậu kiểm (nhất là các nội dung về cơ sở lưu trú), đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch để kiểm soát, xử lý các vấn đề về du lịch.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, quản lý du lịch mà không có quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch thì sẽ không có cơ sở để quy trách nhiệm, không thể kiểm soát chặt chẽ được các sự cố, tai nạn du lịch, các vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch của các cơ sở kinh doanh du lịch... Đại biểu cho rằng, công tác quản lý phải gắn liền với lực lượng thanh tra mới đảm bảo được chất lượng môi trường du lịch. Do vậy, việc bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch vào dự thảo luật là rất cần thiết.

Có chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho biết, trừ  Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, chỉ có Phòng  nghiệp vụ du lịch và Phòng thanh tra chung, chứ không có thanh tra chuyên ngành về du lịch riêng. Lực lượng cán bộ ở các phòng này rất ít, trong khi khối lượng công việc thanh tra về mảng văn hóa, thể thao, du lịch lại rất nhiều. Do vậy, hoạt động của 2 đơn vị này ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch để bảo vệ, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Trong khi đó ngành du lịch hiện nay còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bức xúc.

Nhấn mạnh về việc 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không quay trở lại vì nỗi lo sợ liên quan đến các vấn đề về an ninh trật tự, giao thông, chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường, đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng, việc cân nhắc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành du lịch ở những vùng trọng điểm du lịch trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh