Hướng dẫn đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 01:07 - 14/05/2016
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 9/6/2015, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn số 2176 hướng dẫn về việc giới thiệu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài mới của Việt Nam để phía Đài Loan (Trung Quốc) cấp phép hoạt động đưa lao động sang thị trường này, việc gửi, tiếp nhận lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc. Căn cứ tình hình thực tế và kết quả triển khai thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH ban hành công văn số 1538/LĐTBXH-QLLĐNN hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện.
Ảnh minh họa
Theo đó, việc giới thiệu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ mới để phía Đài Loan cấp phép, Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu phía Đài Loan cấp phép đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khi đáp ứng các yêu cầu theo “Quy định về bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài” ban hành kèm theo Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 và “Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài”. Hồ sơ đề nghị phía Đài Loan cấp phép theo qui định pháp luật hiện hành tại Đài Loan và được đăng tải trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). Theo quy định hiện hành tại Đài Loan, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xin cấp phép hoạt động tại Đài Loan phải có giấy xác nhận không vi phạm quy định về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 2 năm, tính từ ngày doanh nghiệp đề nghị phía Đài Loan cấp phép do Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp.
Về hợp tác với các Cty dịch vụ việc làm Đài Loan để đưa lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được phía Đài Loan cấp phép. Việc tuyển chọn và đào tạo đối với lao động mới đưa sang Đài Loan làm khán hộ công gia đình, doanh nghiệp chỉ tuyển chọn lao động từ 23 đến không quá 50 tuổi, NLĐ đã làm khán hộ công gia đình tại Đài Loan được chủ sử dụng cũ thuê lại có thể quá 50 tuổi và doanh nghiệp không được thu tiền phí môi giới của NLĐ. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nội dung đào tạo lao động khán hộ công gia đình mới đi lần đầu theo quy định của phía Đài Loan, bao gồm thời lượng đào tạo là 390 giờ, trong đó 90 giờ đào tạo nghiệp vụ, 100 giờ đào tạo kiến thức pháp luật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, 200 giờ đào tạo ngoại ngữ. Những lao động đã từ làm công việc này tại Đài Loan thì không bắt buộc phải tham gia đầy đủ thời gian đào tạo trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải bổ túc kỹ năng nghiệp vụ (nếu cần) và cập nhật kiến thức cần thiết cho NLĐ. Đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ, doanh nghiệp chỉ tuyển chọn lao động có kinh nghiệm đi biển hoặc đánh bắt cá trên biển, từ đủ 20 tuổi đến không quá 45 tuổi. Doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ theo qui định của pháp luật Việt Nam và đào tạo ngoại ngữ cho NLĐ theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động.
Hợp đồng lao động ký giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động Đài Loan phải phù hợp với quy định pháp luật hiện hành tại Đài Loan và đáp ứng các điều kiện cơ bản như: Thời hạn hợp đồng 3 năm, nếu là hợp đồng bổ sung thì thời gian tối thiểu là 1 năm 5 tháng. Mức lương của NLĐ không thấp hơn 17.000 Đài tệ/ tháng đối với lao động khán hộ công gia đình và không thấp hơn mức lương cơ bản theo quy định của Đài Loan (hiện nay là 20.008 Đài tệ/tháng) đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ. Được cấp cấp nơi ăn, ở miễn phí. Đặc biệt lao động khán hộ công gia đình phải được chủ sử dụng mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường tối thiểu là 300.000 Đài tệ.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được thu của NLĐ các khoản tiền như: Phí dịch vụ không quá 1000 USD/người/ hợp đồng 3 năm đối với lao động khán hộ công gia đình và không quá 620 USD/ người/ hợp đồng 3 năm đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ. Tiền môi giới không quá 400 USD/ người/ hợp đồng 3 năm. Chi phí đào tạo không quá 4.500.000 đồng/khóa (390 giờ) đối với lao động khán hộ công gia đình và không quá 532.000 đồng/ khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ. Tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng không quá 800 USD/ người/ hợp đồng đối với lao động khán hộ công gia đình và không quá 1000 USD/ người/ hợp đồng đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ. Doanh nghiệp phải cấp hóa đơn, phiếu thu đầy đủ cho NLĐ khi thực hiện khoản thu này.
Ngoài các khoản phải đóng cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam, NLĐ phải chi trả phí cấp hộ chiếu, visa, vé máy bay lượt đi (nếu có), khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, đóng kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và các khoản phí theo quy định pháp luật hiện hành tại Đài Loan.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có trách nhiệm phổ biến công khai cho NLĐ các khoản phí này. Qua công văn này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng quy định rõ, khi kết thúc hợp đồng, chủ sử dụng chi trả tối thiểu một lượt vé máy bay cho NLĐ về nước.