THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

Hưng Yên: Nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu

Cuối năm 2018, huyện Văn Giang còn 579 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,77% tổng số hộ dân trong huyện. Năm 2019, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,56%. Nhưng trở ngại lớn nhất là phần lớn số hộ nghèo còn lại đến thời điểm này đều là người già neo đơn, người có sức khỏe yếu, không có vốn, tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ngay từ đầu năm, khi bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, địa phương trong huyện đều có kế hoạch cụ thể phân loại đối tượng hộ nghèo và áp dụng biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Hưng Yên: Thực hiện nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả tại Hưng Yên.

Ngoài những khoản trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi nghèo, người khuyết tật…, những người nghèo nhưng còn khả năng lao động đều được chính quyền địa phương, các đoàn thể phân công trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật hoặc tạo việc làm phù hợp… Nhờ vậy, vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn luôn được bảo đảm. Nhiều người nghèo đã tự tin vươn lên thay đổi cuộc sống.

Có thể nói, tín dụng chính sách là trụ cột quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo. Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt trên 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,33% so với ngày 31/12/2015. Từ năm 2016 đến ngày 30/6/2019, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách của tỉnh đạt trên 2,8 nghìn tỷ đồng với trên 108,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 28,1 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 13,8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 7,3 nghìn lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; góp phần xây dựng trên 99,6 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 834 căn nhà cho hộ nghèo.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đánh giá cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua. Đồng thời yêu cầu, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững.

Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo dạy nghề, việc làm và giảm nghèo tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh hỗ trợ 9.620 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn theo chương trình tín dụng ưu đãi, tổng số dư nợ trên 2.482 tỷ đồng. 18.822 người nghèo, 25.173 người cận nghèo đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế và 42.425 người thuộc hộ nông nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa theo đúng quyết định cho gần 5 nghìn học sinh các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức 9 cuộc truyền thông trợ giúp pháp lý cho 300 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn 249 vụ việc liên quan đến người nghèo...

Có thể nói, các chính sách giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều đã được triển khai đồng bộ, nền nếp trên địa bàn tỉnh. Hộ nghèo được tặng quà, hỗ trợ tiền ăn tết, hỗ trợ về nhà ở, con em hộ nghèo được các tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ dài hạn…

Với mục tiêu sẽ có thêm 1.615 hộ thoát nghèo trong năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1%, hạn chế tái nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, ngày 8/3/2019, Ban chỉ đạo dạy nghề, việc làm và giảm nghèo tỉnh ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ về thực hiện mục tiêu giảm nghèo tỉnh Hưng Yên năm 2019. Mục tiêu chung là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các huyện, thành phố và các nhóm dân cư, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Để thực hiện chính sách này, các cấp, ngành đã tiến hành rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để xác định những chính sách phù hợp. Đồng thời nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo, qua đó đề xuất điều chỉnh chính sách theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Triển khai các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả gắn với đặc thù của từng địa phương và tập trung cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hộ nghèo thuộc nhóm người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ là chủ hộ. Chú trọng nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của hộ nghèo trong tiếp cận đất đai, vay vốn, xuất khẩu lao động…

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh