THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:11

Hưng Yên: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại Hưng Yên, hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp bị ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp phải giãn ca, giảm bớt số lao động làm việc trong các phân xưởng, dẫn đến sản lượng giảm. Trong 4 tháng qua, sản lượng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, diễn biến của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp của ngành Công Thương, trong 4 tháng qua, ngành dệt may sản xuất được 97,1 triệu sản phẩm, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Bà Hoàng Thị Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Hưng Phát T&M (Phù Cừ) cho biết, trong thời gian qua, công ty hoạt động sản xuất trong tình trạng cầm chừng, luân phiên công nhân làm việc theo hình thức giãn ca. Đến nay, các đơn hàng của công ty cơ bản đã hết, nếu diễn biến dịch bệnh ở các nước đối tác chưa có dấu hiệu khả quan, đơn hàng sẽ không thực hiện được, công ty sẽ phải tạm ngừng sản xuất. 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sản xuất cầm chừng do không nhập được nguyên phụ liệu từ các nước đối tác, không xuất được đơn hàng. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu thay thế, các phụ liệu, linh kiện từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đã được các doanh nghiệp tính đến, song giá thành cao và thời gian vận chuyển hàng chậm. Hầu hết các doanh nghiệp đang sản xuất theo đơn đặt hàng, nên việc chậm tiến độ giao hàng đã xảy ra. Nhiều doanh nghiệp công suất hoạt động giảm từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đều mong chờ dịch bệnh qua nhanh để sớm khôi phục sản xuất.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: Hiệp hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường. Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sở tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các địa phương kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, không để người lao động trong ngành nhiễm bệnh, lây lan ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như: Giãn nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay; giảm lãi suất; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất;... giải ngân các gói hỗ trợ tài chính cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước để hình thành các chuỗi sản xuất mới chủ động hơn, ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động nông thôn, thanh niên. Trong đó, để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, tỉnh này đã thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh khác để tuyển dụng lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng yên cho biết, khi dịch bệnh đã dần được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết việc làm, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động. Trong đó, vị trí việc làm tập trung ở nhóm doanh nghiệp dệt may, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm. Nhiều lao động được tuyển dụng theo hình thức liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên chất lượng nhân lực tốt, thu nhập, chế độ, chính sách đối với người lao động được bảo đảm.

Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt là việc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên mới ra trường qua hình thức đến trực tiếp các trường cao đẳng trong tỉnh để gặp gỡ, tư vấn, trao đổi thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời định hướng việc làm cho sinh viên mới ra trường. Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đối với nhiều đối tượng lao động yếu thế, lao động khu vực nông thôn để họ có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Bên cạnh cho vay hỗ trợ tạo việc làm, tổ chức phiên giao dịch giới thiệu việc làm, tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng đến việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Trong đó trọng tâm hướng đến việc đào tạo nghề cho đối tượng lao động nông thôn, học sinh, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hoàng Nguyễn Hưng - Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đánh giá vấn đề đào tạo nghề rất quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, ông Hưng cho rằng, trong thời gian tới cần xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tự đào tạo nghề cho người lao động và phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, cần gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã trong các hoạt động đào tạo nghề; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đào tạo nghề phải theo nhu cầu sử dụng, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động trong doanh nghiệp để duy trì, phát triển sản xuất. Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, tăng số phiên “Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm"; tổ chức cho người có nhu cầu học nghề được tham quan, trải nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, ông Hưng cũng cho rằng cần có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên và người làm công tác dạy nghề; chính sách thu hút học sinh vào học nghề, nhất là các nghề đột phá, mũi nhọn, có kỹ thuật, công nghệ cao, nặng nhọc độc hại; chính sách hỗ trợ học phí; khuyến khích doanh nghiệp mở cơ sở đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là chính sách đất đai đối với cơ sở đào tạo nghề.

VM
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh