THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:30

Hưng Yên: Mất an toàn trên các bến khách ngang sông

 

Hàng loạt những sai phạm

Tại bến  khách ngang sông Đại Tập, xã Đại Tập ( Khoái Châu). Theo quy định của Sở giao thông vận tải, bến đò này không đủ tiêu chuẩn để chở ô tô dù là loại nhỏ nhất. Vì chưa đáp ứng đủ điều kiện về bến bãi cũng như vận hành phương tiện. Thế nhưng chủ bến đò này vẫn cứ vô tư cho phép những chiếc ô tô lớn nhỏ khác nhau lên đò. Thậm chí còn đặt các biển quảng cáo ở các ngã ba đường gần bến đò, có nội dung “ Bến đò Đại Tập, xin chào quý khách, ô tô to, nhỏ đi ngay” điều đáng nói là những biển quảng cáo này đã ở đây từ rất lâu rồi, và nó lại rất gần UBND xã.

 

Cái biển quảng cáo sai quy định đã ở đây từ rất lâu rồi

 

Đem thắc mắc này lên hỏi UBND xã chúng tôi nhận được câu trả lời của ông Dương Văn Xuất, Chủ tịch xã Đại Tập; “Tớ đâu có biết đâu, biên bản đâu? Các cậu đưa cho tớ hình ảnh tớ có biết gì đâu, nói người ta vi phạm thì phải có biên bản chứ”. Sau khi giải thích việc phóng viên đến  để lấy thông tin viết bài chứ không phải cơ quan chức năng, thì vị chủ tịch xã này nói: " Tôi không biết, và cũng chưa khi nào xử phạt cũng như khiển trách đơn vị này, vì đây là bến đò do Sở Giao thông vận tải quản lý". Mặc dù UBND chính là cơ quan chủ quản gần nhất của bến, và xã vẫn thường xuyên tổ chức đấu thầu định kỳ, và cũng là cơ quan tham mưu cho cấp trên  về tình hình hoạt động của bến khách ngang sông này, nhưng  khi hỏi, chúng tôi nhận được những câu trả lời lạnh lùng như thế.

Theo tìm hiểu  của chúng tôi, ở các bến khách ngang sông này, mỗi hành khách qua sông  phải trả cho chủ phương tiện là 3 nghìn đồng một lượt, còn chở một ô tô qua sông thì giá giao động từ 100 nghìn cho tới 500 nghìn, tùy vào to nhỏ và chở hàng gì.

Không chỉ riêng bến  Đại tập, mà suốt dọc tuyến này bến nào cũng thế. Chiều cùng ngày PV tiếp tục đến bến đò Giáng thuộc địa phận xã Hùng An (Kim Động). Rùng mình và khiếp sợ khi bị trở thành hành khách bất đắc dĩ trên chuyến đò, có 2 chiếc xe chở gạch, chiếc phà chòng chành giữa con nước, tiếng máy rú lên vào không gian chiếc phà ậm ì, chậm chạp cuối cùng sau gần nửa tiếng chúng tôi cũng chạm chân được đến bờ  trong hoảng sợ, thế mà những hành khách đi cùng tôi chuyến đò lại nói ở đây ngày nào như thế… và họ đã quá quen.

Theo quy hoạch phát triển các bến khách ngang sông của Sở giao thông vận tải Hưng Yên, bến này cũng là một bến nhỏ, cấm chở ô tô. Thế nhưng chính ông chủ bến phà đã khẳng định với chúng tôi đò của mình thường xuyên chở cùng lúc 1 đến 2 chiếc xe quá tải, mỗi chiếc có trọng lượng gần 40 tấn.

Ông Nguyễn Đức Đoàn, trưởng phòng quản lý vận tải, Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên cho biết: "việc ô tô quá tải trọng cho phép lên xuống  phương tiện để qua sông là có thật, việc quản lý, giám sát hoạt động của các bến này cũng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Thế nhưng xã hội phát triển, nên nhu cầu xe ô tô qua sông là bức thiết, và một vài yếu tố khác nên các chủ phương tiện vẫn thường xuyên vi phạm”

Được biết đến nay sở giao thông vận tải tỉnh này mới chỉ cấp phép cho 4 cặp đến khách ngang sông được phép tiếp nhận ô tô dưới 3,5 tấn qua sông ( Đông Ninh – Văn Nhân, Phương Trù – Chương Dương, Năm Mẫu – An Cảnh, Dương Liệt – Ninh Sở). Thế nhưng theo khảo sát của chúng tôi các bến  khách này thường xuyên chở xe ô tô quá tải trọng cho phép, thậm chí là cả những chiếc xe mà đường bộ không thể chấp nhận được, mà các phương tiện đường thủy phải gồng mình lên để chở qua sông.

Tại bến chưa được cấp phép thì như các chủ phương tiện vẫn cứ vô tư sai phạm, còn các bến đã được cấp phép thì sai phạm còn nhiều hơn. Bởi những bến được cấp phép là những bến có nhu cầu đi lại và vận chuyển hơn hẳn các bên khác.

Theo quan sát của phóng viên, tại cặp bến khách Đông Ninh – Văn Nhân (Khoái Châu), việc các chủ phương tiện tại đây cho các ô tô quá tải lên phương tiện để qua sông diễn ra bất kể lúc nào, dù là ngày hay đêm, trên phà lúc nào cũng đông khách, những chiếc xe tải đủ loại, khiến hành khách không còn chỗ đứng, buộc phải đứng ra mép nước, thậm chí là cả trên lưỡi phà.. vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng cũng giống như các bến đò khác, không ai được mặc áo phao, áo phao thì được được cất vào tận trong cũi sắt, dường như đã quá lâu rồi.

 

Chiếc xe tải hơn chục tấn này đang ì ạch lên bờ


Thường xuyên phải đi qua những chuyến đò này, anh Đỗ Văn Quang, một hành khách qua sông cho hay “Nói chung là công việc đi thì vẫn cứ phải đi thôi, đã trót đi thì cảm thấy nó nguy hiểm, Bởi vì đò chở nặng quá, sự cố rất dễ xảy ra cái đó là điều đương nhiên, và cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, kinh tế thị trường mà, chủ đò họ cũng phải sống chứ”.

Cũng giống như anh Quang, rất nhiều hành khách đều cảm thấy thót tim mỗi lần qua sông, thế nhưng họ cũng không còn sự lựa chọn nào khác khi mà các bến đò ở khu vực bến nào cũng thế…

Khi hỏi vấn đề, có biết hay không việc các bến khách ngang sông Đông Ninh, thường xuyên chở quá tải trọng, Ông chủ tịch  xã Đông Ninh trả lời “ Anh em mình phải hiểu rằng bây giờ, toàn bộ là quá khổ, quá tải, được cái bây giờ sông ít sóng, đò to hơn rồi, nên không có tai nạn!”

Như vậy có thể nói rằng, chính quyền xã có biết việc các bến khách ngang sông vi phạm, tuy nhiên cũng chưa có biện pháp xử lý.

Cũng theo quan  sát của chúng tôi, các bến khách ngang sông như: Binh Minh, Năm Mẫu, Mễ Sở đều có hiện tượng chở xe tải qua sông kể cả vào ban ngày lẫn ban đêm, cả xe nhỏ cũng như xe to. Theo lý giải một người bán nước gần bến Đông Ninh, gần đây việc các xe quá tải thường xuyên chọn bến này để qua sông là do lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, kiểm tra tải trọng thường xuyên trên tuyến đê, nên họ chọn lối đi này để tránh né...

Sai phạm vì sao?

Cũng theo ông Nguyễn Đức Đoàn, những khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của các bến khách ngang sông tại địa phương là sự phối hợp không đồng nhất giữa các cơ quan đơn vị với nhau trong quá trình tuần tra kiểm soát.  Sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công an địa phương là chưa quyết liệt. 

 

Quá nhiều ô tô trên phà khiên hành khách phải đứng tràn ra cả lưỡi phà

 

Một trong những nguyên nhân sâu xa, dẫn đến tình trạng những chủ bến khách ngang sông buộc phải cho xe quá tải trọng qua sông là do tiền đấu thầu quá cao. Ví dụ như trường hợp ông Phạm Gia Hạnh người đã có công khai phá ra bến Đại Tập từ rất lâu, Tất cả sản nghiệp của cả cuộc đời của ông gắn với cái bến này. Với hình thức đấu định kỳ mà UBND xã đưa ra (ai trả cao thì thắng), nên ông hạnh buộc phải trả giá cực cao để dành lại công sức của mình phải bỏ ra. Mới đây ông Hạnh đã chi ra 1.5 tỷ đồng cho 5 năm khai thác và sử dụng bến này, thế nhưng đây chỉ là một bến khách ngang sông rất nhỏ, và ít phương tiện di chuyển. như vậy không tính tiền đầu tư phương tiện và công sức bỏ ra, thì 1 ngày ông hạnh đã mất hơn 800 nghìn tiền thuế, nếu chở 1 khách qua sông được 3 nghìn đồng, chắc ông không thể duy trì hoạt động được lâu… nên có lẽ vi phạm là điều khó tránh khỏi.

Trong những bến khách ngang sông, chắc chắn sẽ không có ít những người đang bị rơi vào thế khó như ông Hạnh. Vậy làm sao để giải quyết được bài toán đảm bảo an toàn cho hành khách, mà lại không cần sử dụng đến biện pháp cứng rắn là tước giấy phép, gây lãng phí, khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, cũng như vẫn thu được tiền thuế về ngân sách cao, thì đây chính là một bài toán khó cho Sở giao thông và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh