CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:02

Kỳ lạ chuyện gà, lợn ở nhà cao cửa rộng, người lại ở... chuồng gà

 

Nhiều phần diện tích nhà ở người dân chuyển sang chăn nuôi.

 

Tìm hiểu được biết, năm 2004, khoảng 50 hộ dân của xã Quang Hưng được phê duyệt dự án chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ở vùng trũng sang làm theo mô hình vườn ao chuồng. Trong quyết định cũng có những tiêu chí hết sức cụ thể, người dân chỉ được làm nhà tạm trên diện tích đất chuyển đổi để trông nom, bảo vệ phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian sử dụng đất của dự án được phê duyệt. Theo đó, diện tích được phê duyệt để làm nhà tạm trông coi chỉ từ 10 - 20m2, tùy vào quy mô từng hộ… Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng của các gia đình cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã, huyện, nơi đây đã có rất nhiều ngôi nhà kiên cố, vượt quá mức quy định mọc lên trên đất nông nghiệp.

Cũng chính vì buông lỏng quản lý trong việc sử dụng đất đai của các cấp chính quyền mà ngoài 50 hộ được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì hiện có tới 30 hộ không được phê duyệt theo chương trình trước đó cũng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm theo mô hình vườn ao chuồng.

Ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Một năm sau, ngày 31/3/2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 93A/KH-UBND đề ra một số chủ trương, giải pháp thực hiện. Cụ thể như, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện...

Và để “đối phó” với chủ trương của UBND tỉnh Hưng Yên, các gia đình ở đây đã “nhường” những ngôi nhà khang trang mình đang ở (nhưng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp - PV) thành nơi nuôi nhốt gà, vịt, lợn để tránh bị cưỡng chế, phá dỡ. Ông Phạm Đình Thép (60 tuổi), xã Quang Hưng cho biết, năm 2003 gia đình ông thực hiện chuyển đổi 3.600m2 đất nông nghiệp tại cánh đồng Viên Quang sang trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, nuôi ba ba và được huyện phê duyệt. Sau một thời gian làm ăn hiệu quả, gia đình ông đã đầu tư xây dựng ngôi nhà kiên cố khoảng 70m2 trên khu đất này để ở và trông nom tài sản. “Cả chục năm ăn ở ổn định, giờ gia đình tôi nằm trong danh sách bị phá dỡ. Nếu bây giờ bị đập phá thì chỉ còn là đống đổ nát, không bằng tôi biến nó thành nơi chăn nuôi, thành nhà kho…”, ông Thép cho biết.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng xác nhận: Tại thôn Viên Quang hiện có gần 30 hộ dân đang sản xuất nông nghiệp, tất cả đều xây dựng nhà ở vượt diện tích quy định. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã xuống các gia đình vận động tự tháo dỡ. Tuy nhiên, chỉ có 5 hộ thực hiện, còn lại các hộ phản đối bằng cách chuyển đổi công năng, biến nhà ở thành nơi chăn nuôi gà, lợn.Cũng theo ông Sơn, tỉnh yêu cầu trong tháng 10/2017 phải hoàn tất việc phá dỡ nhà xây trái quy định. Tuy nhiên xã đang chờ chủ trương của tỉnh trong việc xem xét thành lập hợp tác xã tổng hợp ở Viên Quang nhằm tháo gỡ vấn đề nhà tạm cho người dân.

Ông Lê Trí Viễn, Bí thư Huyện ủy huyện Phù Cừ cho biết: Huyện đã vào cuộc thanh, kiểm tra và đã quyết định kiểm điểm mức khiển trách với tập thể Đảng ủy, UBND xã Quang Hưng. Về cá nhân huyện tiến hành kỷ luật  cảnh cáo với Bí thư và Chủ tịch xã Quang Hưng. Về lộ trình xử lý với các công trình sai phạm, huyện tiến hành 2 giai đoạn, trước hết vận động người dân tự tháo dỡ trong tháng 10. Giai đoạn 2 nếu hộ nào không tự nguyện tháo thì huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. 

THANH NGỌC - ĐÌNH TƯỞNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh