CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:08

“Hừng đông”: Đưa giới trẻ đến với lịch sử dân tộc

 

Kéo dài hơn hai giờ với bảy cảnh diễn, Hừng Đông làm sống lại giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi của người chiến sĩ cách mạng ưu tú Phan Đăng Lưu từ năm 1923 đến 1940, từ khi ông còn là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà ở Yên Thành, Nghệ An; sau đó từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia hoạt động cách mạng ở Huế; rồi bị thực dân Pháp bắt và giam trong nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936); tiếp đó là giai đoạn chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa ở Huế (1936-1939); sau đó ra bắc, dự Hội nghị tái lập Ban Chấp hành T.Ư Đảng, xin chủ trương đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ; cho tới lúc ông bị bắt ngay khi về Sài Gòn, Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trước buổi hừng đông của tự do, độc lập dân tộc.

 

 

Chia sẻ lý do chọn hình tượng Phan Đăng Lưu để xây dựng kịch bản, tác giả của vở diễn- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho biết: đây là người chiến sĩ cộng sản đặc biệt, mưu lược và khôn khéo. Tài liệu sử sách đã viết nhiều về ông, nhưng nghệ thuật sân khấu còn ít đề cập tới nhà hoạt động cách mạng kiệt xuất này. Ở giai đoạn cách mạng đầy khó khăn, bão táp, ông đã dùng báo chí, văn hóa như một thứ vũ khí sắc nhọn để tranh đấu. Trong Hừng Đông, sự sáng suốt, khả năng phân tích sắc bén của chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu được thể hiện vô cùng rõ qua chi tiết ông từ nam ra bắc xin ý kiến Trung ương Đảng về việc trì hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhận thấy thời cơ chưa chín muồi, khi mà giặc Pháp ở Đông Dương còn quá mạnh, khởi nghĩa còn thiếu sự liên kết với Bắc Kỳ, Trung Kỳ, ông đã dự báo trước được sự thất bại. Nhưng cùng các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ông vẫn xác định nếu khởi nghĩa bùng nổ thì phải xả thân lãnh đạo, tính đến cả phương án rút lui để giảm những hy sinh xương máu của nhân dân. Vở diễn đã làm nổi bật chân dung người chiến sĩ Cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc Phan Đăng Lưu. Trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần làm nên một giai đoạn lịch sử đầy bão táp mà vẻ vang, tạo tiền đề quan trọng đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945.

 

 

Có thể thấy, đã khá lâu sân khấu cải lương mới lại khai thác một đề tài cách mạng. Để chuyển tải lịch sử vừa chân thực vừa sống động là cả một thách thức lớn, tuy nhiên, nhờ những sáng tạo trong dàn dựng, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đưa vào vở diễn hơi thở tươi mới của cuộc sống hiện đại. Ngoài việc áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại như màn hình Led, hệ thống âm thanh, ánh sáng… vở diễn còn thể hiện ý định thử nghiệm khi kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương - một nghệ thuật mang tính dân tộc  với một loại hình nghệ thuật hiện đại đó là âm nhạc đường phố với sự tham gia của ban nhạc đường phố thuộc Câu lạc bộ nghệ thuật HUB cùng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại trong vai trò là người dẫn dắt mạch kịch, thể hiện bằng ngôn ngữ rock, jazz, hiphop, dân gian đương đại… Ngay từ đầu, vở Hừng Đông đã gây bất ngờ mở màn bằng tiết mục rock đầy sôi động của nhóm nhạc trẻ. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, đạo diễn không đứng sau cánh gà mà xuất hiện thẳng trên sân khấu như một nhân vật của vở diễn. Nhận thấy phần thể hiện của các bạn trẻ còn thiếu hồn cốt dân tộc, vị đạo diễn đã chủ động mời nhóm nhạc cùng xem một vở diễn do chính mình dàn dựng. Phần mở đầu đó dù chỉ vỏn vẹn vài nhưng đã tạo cái cớ rất  để một vở diễn khắc họa trang sử oai hùng của cách mạng Việt Nam được tái hiện tự nhiên và chân thực ngay giữa cuộc sống đương đại.

 Để những người trẻ bước vào và sống cùng những thời khắc lịch sử, từ đó thể hiện những điều đã trải nghiệm bằng âm nhạc, Hừng Đông đã tạo được sự tiếp biến tự nhiên giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay. Nhờ đó, những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử trở nên gần gũi, chân thực hơn. Giới trẻ hôm nay cũng có cơ hội đối thoại với lịch sử cách mạng để thêm hiểu truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc. Vở diễn đã được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam trao giải tác phẩm và các nghệ sĩ sáng tạo suất sắc nhất.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh