Huế xây dựng các sản phẩm hấp dẫn gắn với chủ đề xanh khi mở cửa lại hoạt động du lịch
- Văn hóa - Giải trí
- 06:06 - 16/03/2022
Doanh nghiệp vui mừng khi du lịch mở cửa trở lại
Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, đón khách quốc tế trở lại sau đúng 2 năm bị gián đoạn. Đối với Thừa Thiên Huế, du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch đã thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho rất nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc mở cửa hoàn toàn trở lại là tín hiệu rất đáng mừng, giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển.
Bà Châu Thị Hoàng Mai - Giám đốc khách sạn Alba Boutique và Alba Spa (TP Huế) hồ hởi: “Với cá nhân tôi cũng như anh chị em làm du lịch thực sự rất hạnh phúc trước quyết định đón khách quốc tế trở lại. Để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại, chúng tôi đã chuẩn bị một định hướng kinh doanh mới là “Wellness Hotel” (khách sạn chăm sức khoẻ). Cụ thể, đơn vị sẽ sử dụng lợi thế của nguồn nước khoáng nóng Thanh Tân, đưa về trung tâm thành phố Huế, kết hợp với các hoạt động thiền nước, thiền âm thanh, các hoạt động vận động cùng với các bữa ăn, món ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe”.
Chị Mai đề xuất Huế cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khách hàng cả thân - tâm - trí, bởi nơi đây có đủ các điều kiện để thực hiện. Khi đó, du khách đến Huế có thể có các kỳ nghỉ dưỡng dài ngày, thời gian lưu trú lâu hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
Bên cạnh niềm vui, theo chị Mai, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thừa Thiên Huế cũng còn những lo lắng nhất định. Đặc biệt, trong 2 năm qua, ngành du lịch mất đi lượng lớn nguồn nhân sự chất lượng cao. Những nhân sự còn trụ lại hoặc quay trở lại với nghề vẫn trong tâm trạng thấp thỏm, chưa thực sự yên tâm và ổn định. Do đó, nhiều đơn vị đang đứng giữa lựa chọn: hoặc là chấp nhận rủi ro, mạnh dạn tuyển dụng người một lần, đầy đủ để đào tạo sẵn sàng chờ ngày khách quay lại; hoặc là tuyển dụng đào tạo dần tùy theo tốc độ dự báo của thị trường. Các doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền. Việc miễn hoặc giảm các loại phí như thuế đất, điện nước,… sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí cho đào tạo nhân lực và chấn chỉnh lại dịch vụ, khắc phục cơ sở vật chất bị xuống cấp sau hơn hai năm chịu tác động bởi dịch bệnh.
Đối với việc đón khách quốc tế, theo bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp đang rất cần một quy trình đón và xử lý các tình huống một cách cụ thể? Đồng thời Nhà nước cần có những hướng dẫn thủ tục rõ ràng về việc nhập cảnh, về việc điều kiện có thể du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần sớm có chính sách giảm giá vé ở các điểm tham quan và có những sản phẩm “sống”, sinh động ở các điểm di sản, công bố thời gian diễn ra cụ thể để doanh nghiệp chủ động xây dựng tour tuyến.
Nhiều sản phẩm hấp dẫn theo chủ đề xanh
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lu lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chuẩn bị đón khách khi các hoạt động du lịch mở cửa trở lại, ngoài việc kiểm kê lại hệ thống khách sạn, khu lưu trú, ngành du lịch yêu cầu các đơn vị tăng cường chỉnh trang, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, Huế sẽ xây dựng các điểm đến an toàn, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để thu hút du khách.
Theo ông Phúc, Thừa Thiên Huế sẽ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng, quảng bá các gói sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, tập trung vào chủ đề du lịch xanh. Trọng tâm trước mắt hướng đến các dịch vụ, như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, nhất là các điểm dịch vụ về đêm. Khuyến khích xây dựng các tour du lịch với tiêu chí xanh - bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng, như: tour khám phá nét đặc trưng lịch sử, văn hóa và cảnh quan các địa phương dành cho đối tượng khách trẻ tuổi, nhóm khách gia đình; ưu tiên sử dụng các phương tiện xe điện, xe đạp và xe xích-lô.
Để kích cầu du lịch, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức chuỗi hoạt động sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và ẩm thực gắn với du lịch trong khuôn khổ Festival Huế 2022 - Festival bốn mùa, được trải đều ở các thời điểm, các tháng trong năm. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong một khung thời gian phù hợp. Hình thức tổ chức cũng sẽ được tính toán kỹ, có phương án dự phòng tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh, kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm triển khai chủ động, linh hoạt và hiệu quả.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông điểm đến, các sự kiện, lễ hội và chuỗi sản phẩm du lịch của địa phương trên các kênh trong và ngoài nước, trên mạng xã hội. Đẩy mạnh liên kết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung cũng như đầu tàu du lịch Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các hãng hàng không, doanh nghiệp Lữ hành hàng đầu. Từ đó, có sự hỗ trợ kết nối đưa khách đến Miền Trung và Thừa Thiên Huế thuận lợi, an toàn, hình thành chương trình tour tuyến mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của du khách.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những hỗ trợ cụ thể, góp phần giúp doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động, như: tiếp tục giảm giá nước 3 tháng; giới thiệu, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các hình thức, gói vay lãi suất được tỉnh hỗ trợ và các ngân hàng cùng đồng hành; có chính sách kích cầu hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), Teambuilding và các đoàn du lịch theo hình thức charter (thuê bao chuyến); giảm 50% phí tham quan các điểm di tích Cố đô Huế; hỗ trợ các chương trình đào tạo lại, tập huấn thêm kỹ năng chuyên môn cho người lao động ngành du lịch.
Cùng với đó, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai những chính sách chung như: gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp đến hết năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022.
Để đón khách an toàn, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng được phép tiêm, đặc biệt là đối với nhân lực ngành du lịch. Ngành y tế tỉnh đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; có kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; xây dựng quy trình xử lý các tình huống trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo an toàn, thuận lợi nhất cho du khách nói chung và du khách quốc tế nói riêng.