CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Huế tìm cách “giải cứu” khu đô thị hiện đại trước vòng xoáy ngập lụt

Khu đô thị hiện đại bậc nhất tỉnh Thừa Thiên Huế ngập chìm trong nước lũ hồi giữa tháng 10/2022. Ảnh: Trần Thiên

Khu đô thị hiện đại bậc nhất tỉnh Thừa Thiên Huế ngập chìm trong nước lũ hồi giữa tháng 10/2022. Ảnh: Trần Thiên

Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Quy hoạch chung từ năm 2005. Khu đô thị nằm nằm ở phía Đông TP Huế, hình thành trên địa giới hành chính của 3 địa phương, gồm: TP Huế, thị xã Hương Thuỷ, huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích khoảng 1.700ha.

Theo quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế, KĐTM An Vân Dương hướng đến mục tiêu phát triển các khu đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn Quốc tế. Nơi đây sẽ là trung tâm dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, trung tâm hành chính, kinh tế, phục vụ nhu cầu du lịch nghĩ dưỡng của người dân. KDTM An Vân Dương cũng được xem như nhân tố tiên quyết và là đô thị động lực để Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Được định vị ở vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là vậy, tuy nhiên trong những năm gần đây, KĐTM An Vân Dương lại thường xuyên đối diện với vòng xoáy ngập lụt cục bộ. Do nằm ở vùng thấp trũng, “khu vực tụ thuỷ”, nên mỗi khi Huế xảy ra mưa lũ thì khu đô thị hiện đại này lại chìm trong dòng nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân cư, điển hình như các đợt mưa lũ lớn hồi giữa tháng 10/2020; 10/2022. Theo số liệu thống kê, cao độ ngập lụt trong tháng 10/2020 tại KĐTM An Vân Dương từ +2,81 đến +3,17m. Còn theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, khi mức nước lũ sông Hương tại Kim Long vượt mức báo động 3 thì toàn bộ hệ thống đường giao thông tại KĐTM An Vân Dương ngập hầu như hoàn toàn.

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ngập lụt cục bộ tại KĐTM An Vân Dương nói riêng, các khu dân cư, đô thị tại Thừa Thiên Huế nói chung do 5 nguyên nhân cơ bản. Đó là hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ; các khu vực bị chia cắt, thiếu sự kết nối về thoát lũ; công trình đô thị đang thi công thiếu giải pháp thoát nước tạm thời; hệ thống mương thoát có trong quy hoạch nhưng chưa được đầu tư; hệ thống cống xả vùng hạ du chưa được nạo vét, khơi thông thường xuyên.

“Tại các khu vực Xuân Phú, KĐTM An Vân Dương có 2 hệ thống sông Như Ý ở phía Bắc và Lợi Nông phía Nam có nhiệm vụ truyền tải nước ra biển. Trong quy hoạch, còn có hệ thống mương theo hướng Đông sang Tây dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt và mương sinh thái 60m từ Bắc xuống Nam, nối sông Như Ý với sông Lợi Nông. Tuy nhiên, 2 hệ thống thoát nước chính này chưa được đầu tư đồng bộ. Nguyên nhân là do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn lực”, ông Viên thông tin.

Theo ông Viên, nếu giải quyết tốt các tồn tại vừa nêu thì tình trạng ngập lụt cục bộ sẽ được cải thiện theo hướng tích cực. Riêng KĐTM An Vân Dương, ông Viên đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế cần ưu tiên nguồn lực để triển khai các phương án bảo đảm giúp thoát nước nhanh khi xảy ra mưa lũ cả trước mắt lẫn lâu dài. Hiện nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho TP Huế lên kế hoạch để đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt cũng như hệ thống mương sinh thái 60m nối sông Như Ý với sông Lợi Nông.

“Về lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống cao độ nền cũng như đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước đảm bảo giải quyết ngập cục bộ khi trời mưa. Đối với khu vực An Vân Dương, UBND tỉnh đã giao cho BQLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển khu đô thị nghiên cứu thực hiện trong phạm vi khu đô thị. Trong phạm vi rộng lớn hơn, ở quy mô toàn thành phố Huế, toàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, đưa vào trong đồ án quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh; đồng thời giao Sở NN&PTNT chủ trì, nghiên cứu thoát lũ ở khu vực phía Đông TP Huế”, ông Viên cho biết các kế hoạch giải cứu.

Tuyến đường Tố Hữu nối KĐTM An Vân Dương với trung tâm TP Huế hiện hữu ngập sâu trong nước mỗi khi xảy ra lũ lớn. Ảnh: Trần Thiên

Tuyến đường Tố Hữu nối KĐTM An Vân Dương với trung tâm TP Huế hiện hữu ngập sâu trong nước mỗi khi xảy ra lũ lớn. Ảnh: Trần Thiên

Được biết, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư nâng cao độ các tuyến đường chủ lực tại KĐTM An Vân Dương. Đó là việc nâng cao độ nền của các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và Khu Hành chính tập trung tỉnh. Tuy nhiên, việc làm này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người cho rằng: việc nâng cao độ sẽ dễ khiến tình trạng ngập lụt càng nặng nề hơn với KĐTM An Vân Dương, nhất là đối với các khu dân cư hiện hữu, lâu đời ở các phường Xuân Phú, An Đông, một phần An Cựu. 

Theo ông Trần Nhật Tuấn - Phó Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển khu đô thị, các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Thủy Dương - Thuận An với vai trò là các tuyến đường huyết mạch kết nối khu dân cư với trung tâm hành chính của tỉnh và khu trung tâm TP Huế hiện hữu, nên việc đảm bảo lưu thông trong mùa lũ, đáp ứng các tính huống khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn là hết sức cần thiết. Vừa qua, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao độ tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Tố Hữu theo đồ án quy hoạch phân khu A điều chỉnh và cơ bản giải quyết được lưu thông cho các phương tiện vận tải phục vụ cứu trợ, hỗ trợ lụt bão. 

Ông Tuấn thừa nhận, việc nâng cao độ 2 tuyến đường nói trên trong giai đoạn trước mắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư hiện hữu do các hệ thống kênh mương thoát nước ra các hệ thống sông Như Ý, Nhất Đông, hói Phát Lát.. chưa được đầu tư hoàn chỉnh. 

Để giải quyết vấn đề, trước mắt đơn vị quản lý sẽ bổ sung các cửa thu nước cho các vị trí có cao độ địa hình thấp, thu vào hệ thống thoát nước của tuyến đường để xả ra các vị trí theo quy hoạch; bổ sung các cống hộp băng đường theo quy hoạch đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng lưu. Đồng thời, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đầu tư hệ thống thoát nước dọc và cửa xả tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Bên cạnh đó, Huế sẽ thực hiện nạo vét khơi thông các mương hói hiện có, các điểm bị tắc nghẽn, nạo vét hệ thống đường ống thoát nước mưa, các vị trí cửa thu, cửa xả. Tập trung hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đang bị vướng mắc tại các dự án để sớm triển khai thi công hoàn thành các cống hộp cuối tuyến thông ra sông Lợi Nông, giải quyết thoát nước cho các khu vực thượng lưu.Tiến hành rà soát các vị trí ngập cục bộ do ảnh hưởng bởi dự án để có phương án thu gom, tiêu thoát úng cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh đang đang có nhiều hành động quyết liệt, tập trung đầu tư các hệ thống thoát lũ cho các địa bàn dân cư trên toàn tỉnh. Đối với KĐTMAn Vân Dương, ông Phương cho biết, toàn bộ hệ thống kênh theo quy hoạch sẽ được hoàn thiện, với kinh phí 1 phần từ nguồn vốn dư của Dự án đô thị xanh (Green city) và 1 phần giao cho TP Huế lập dự toán. “Với hệ thống kênh, mương thoát rất là lớn này, trong trường hợp mưa bình thường, tôi nghĩ là tình trạng ngập cục bộ sẽ không còn xảy ra. Tuy nhiên khi có mưa lớn cực đoan, cường độ lớn thì việc ngập lụt cục bộ sẽ  không tránh khỏi, nhưng sẽ không ở mức độ dày đặc như hiện nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định. 

Cũng theo ông Phương, trong quy hoạch sắp tới, tỉnh  sẽ hết sức lưu ý đến vấn đề cao trình. Bởi với tần suất lũ lớn thì cao trình vẫn là yếu tố quyết định. Nếu chúng ta làm công trình, dự án với cốt nền, cao trình thấp thì sau này sẽ khó chung sống được với mưa lũ tần suất lớn. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh