Thừa Thiên Huế sẽ làm kênh dẫn dòng, kết nối sông Bồ với sông Hương giúp thoát lũ vùng trũng
- Y học 360
- 09:24 - 10/12/2022
- Tìm thấy thi thể 2 cậu cháu bị lũ cuốn trôi ở Thừa Thiên Huế
- Huy động lực lượng tìm kiếm 2 cậu cháu mất tích trong mưa lũ tại Thừa Thiên Huế
- Bí thư xã ở Thừa Thiên Huế bị nước lũ cuốn trôi, tử vong
- Nhiều khu vực ở Thừa Thiên Huế có nguy cơ xảy ra sạt, trượt lở đất
- Nhiều nơi tại Quảng Trị, Huế bị ngập lụt, chia cắt bởi mưa lũ
- Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Đợt mưa mấy chục năm mới có 1 lần
Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, cả chính vụ lẫn trái vụ gây ngập lụt diện rộng, làm thiệt hại nặng về tính mạng và tài sản của người dân, điển hình như: đợt mưa lũ tháng 10/2020; đợt mưa lũ bất thường tháng 4/2022 hay mới nhất là đợt mưa kéo dài từ ngày 2 - 6/12/2022.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trận mưa từ ngày 2 - 6/12 vừa rồi là một đợt mưa to đến rất to, và là đợt mưa bất thường, mấy chục năm mới xuất hiện 1 lần. Theo thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, lượng mưa đo được phổ biến từ 350 đến 450mm; đặc biệt một số nơi rất cao như: Bạch Mã gần 1.000mm, Thuỷ Yên 1.073mm, Truồi 876mm,…Theo ông Đức, tại khu vực Bạch Mã (Phú Lộc), lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 800 - 1.000mm. Tuy nhiên từ lúc 1h sáng đến 19h tối ngày 2/12/2022, tổng lượng mưa đo được là khoảng 650mm, đây là lượng mưa rất lớn. Mưa lũ đã làm ngập cục bộ Quốc lộ, đoạn quan xã Lộc Trì, với mức ngập từ 1 - 1,2m, khu vực dân cư rộng phía trong ngập sâu từ 0,4 - 0,5m, với khoảng 2.860 nhà dân bị ngập. Đợt mưa lũ cuối mùa này cũng đã làm 3 người thiệt mạng, trong đó có 1 người đang đương chức Bí thư xã.
Đại biểu Trần Quốc Thắng (Quảng Điền) đặt vấn đề, bên cạnh các đợt mưa lớn, mưa lũ cực đoan, còn có những đợt mưa chưa phải là quá lớn nhưng đã gây ra hiện tượng ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi, ngay cả đối với khu đô thị hiện đại An Vân Dương (TP Huế). Mưa làm làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua. Theo ông Viên, đó là do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Việc thoát nước chậm còn do địa hình bị chia cắt, thiếu sự kết nối về việc thoát nước giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, một số khu vực công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình tại khu vực đô thị thiếu giải pháp thoát nước tạm thời. Điều đó vô hình chung trở thành các vật cản, cản trở dòng chảy dẫn đến hiện tượng ngập cục bộ. Các hệ thống kênh mương có thể hiện trong các đoạn quy hoạch, tuy nhiên chưa được đầu tư đồng bộ. Một số cống cửa xả ở phía hạ lưu chưa được nạo vét thường xuyên.
Ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, hầu hết các đợt ngập lụt cục bộ là do mưa lớn kéo dài, mưa cực đoan với lưu lượng cực lớn. Nước mưa từ vùng thượng nguồn đổ dồn về nhanh, trong khi ở vùng đồng bằng và thành thị có nhiều vật cản, làm nước thoát ra biển chậm. Tốc độ đô thị hoá, việc san lấp các kênh thoát nước để xây dựng các khu dân cư mới cũng làm tắc nghẽn, cản trở dòng chảy.
Làm kênh dẫn dòng, kết nối sông Bồ với sông Hương để thoát lũ
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ, trước mắt tỉnh cần đầu tư xây dựng các hệ thống thoát nước đồng bộ cho các khu vực dân cư. Tiến hành đầu tư hệ thống cống băng đường đảm bảo khẩu độ đủ khả năng thoát nước, tránh việc chia cắt giữa các khu vực. Buộc chủ đầu tư các công trình phải có hệ thống thoát nước tạm thời. Có kế hoạch đầu tư các hệ thống kênh mương, đặc biệt là các dự án cấp bách trong các khu vực đô thị. Cần ưu tiên tiến hành nạo vét cửa xả phía hạ lưu để đảm bảo thoát nước nhanh
Về lâu dài, Thừa Thiên Huế cần tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống cao độ nền cũng như đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước đảm bảo giải quyết ngập cục bộ khi trời mưa.
“Đảm bảo giải quyết thoát nước nhanh khi lũ lụt xảy ra là vấn đề lớn, cần nghiên cứu trên diện rộng để có đủ dữ liệu tính toán về lưu vực cũng như thuỷ văn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao các Sở, ban ngành nghiên cứu đồng bộ, đề xuất phương án, như vấn đề thoát lũ ở phía Đông TP Huế, khu vực huyện Quảng Điền,với 2 mục tiêu: Làm thế nào để giảm thời gian ngập lụt và giảm mực nước ngập. Trong quá trình cũng tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để sớm giải quyết được vấn đề”, theo ông Viên.
Để giải quyết vấn đề ngập lụt tại khu vực chân núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc), ông Nguyễn Đình Đức cho rằng chỉ có 1 cách duy nhất là đào kênh dẫn nước từ hói Khe Thị ra hói Rui. Vừa qua, UBND huyện Phú Lộc đã lập dự án và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt (ngày 16/11/2022).
Tại huyện Quảng Điền, thời gian, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện đã tập trung đầu tư khơi thông, nạo vét các kênh thuỷ đạo. Hiện đang khơi thông hói Ngã Tư và hói Hàng Tổng, đồng thời mở các kênh thoát nước ra phá Tam Giang. Việc hàon thành các hệ thống này sẽ giúp thoát nước cho Quảng Điền sẽ nhanh hơn.
Đặc biệt, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, để thoát lũ nhanh hơn nữa cho Quảng Điền thì phải tính toán đến hướng chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương. Vì hiện tại qua theo dõi, mức độ báo động của sông Bồ và sông Hương có sự chênh lệch lớn, hơn nhau đến 1m, ví dụ; nước lũ sông Bồ báo động 3 ở mức 4,5m thì sông Hương chỉ 3,5m. “Vì vậy, thời gian tới cần mở các kênh ở khu vực xã Quảng Thọ, Quảng Thành để kết nối, chuyển nước lũ giữa 2 dòng sông này. Nước trên sông Hương cũng thoát ra biển nhanh hơn sông Bồ”, theo ông Đức.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, vấn đề chống ngập úng cục bộ và thoát lũ là vấn đề căn cốt của tỉnh và được nhiều người quan tâm. Hiện tỉnh có hệ thống đê đập tốt trên các các dòng sông chính, qua đó giúp cắt lũ rất nhiều. Các cơ quan chức năng cũng đã chủ động điều tiết, cắt được đỉnh lũ; chủ động trong diễn biến, không để bị động về thời gian. Hệ thống cảnh báo hiện nay cũng đã được khắc phục. Trên địa bàn vùng hạ du tỉnh Thừa Thiên Huế còn có hệ thống sông, hồ do cha ông để lại rất phong phú.
“Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, Thừa Thiên Huế cần phải thận trọng, kỹ lưỡng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, để có thể chung sống với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Trên nền tảng sẵn có, Thừa Thiên Huế đang có nhiều hành động quyết liệt để xử lý. Đầu tiên là các công trình thoát lũ đang làm rất mạnh. Tỉnh đang hoàn thiện những bước cuối cùng của hệ thống cải thiện môi trường nước phía Nam TP Huế. Hệ thống cống ngầm của dự án đã giúp xử lý cơ bản việc thoát nước cho phần đô thị cũ. Riêng phần đô thị mới, do độ vênh của việc đầu tư, chúng ta chưa theo kịp tình hình, chưa làm tròn vai nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã nghiên cứu các dự án và đang triển khai đầu tư xây dựng chứ không phải không làm”, ông Phương nhấn mạnh.
Đối với khu đô thị mới An Vân Dương, ông Phương cho biết, toàn bộ hệ thống kênh theo quy hoạch sẽ được hoàn thiện, với kinh phí 1 phần nguồn vốn dư của Dự án đô thị xanh và 1 phần giao cho TP Huế lập toán. “Với hệ thống kênh, mương thoát rất là lớn này, trong trường hợp mưa bình thường, tôi nghĩ là tình trạng ngập cục bộ sẽ không còn xảy ra. Tuy nhiên khi có mưa lớn cực đoan thì việc ngập lụt với mực nước cao chắc chắn sẽ phải xảy ra, nhưng sẽ không ở mức độ dày đặc như hiện nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, tỉnh cũng đã nghiên cứu xong hệ thống thoát lũ cho khu vực phía Nam sông Hương kéo về phía Đông. Hiện nay tiếp tục nghiên cứu khu vực phía Bắc, trong đó có 1 công trình rất quan trọng là các kênh kết nối sông Bồ với sông Hương. Ông Phương tiếp tục khẳng định dự án khi làm được xây dựng sẽ rất khả thi để giải quyết ngay vấn đề thoát lũ cho vùng trũng Quảng Điền. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ sớm đề xuất dự án trong thời gian tới.