THỨ HAI, NGÀY 09 THÁNG 12 NĂM 2024 01:20

Huế, Quảng Trị mưa lớn, hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu

Nhiều khu dân cư tại Huế bị ngập sâu trong nước lũ

Nhiều khu dân cư tại Huế bị ngập sâu trong nước lũ

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 13/11 đến sáng ngày 15/11/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to và mưa rất to, riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 500-800mm, có nơi cao hơn như: Thượng Quảng, Nam Đông 985mm; Hương Sơn, Nam Đông 971mm; Khe Tre, Nam Đông 943mm.

Trước diễn biến mưa lớn kéo dài, các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, như: hồ Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, hồ Truồi,…đã được lệnh vận hành điều tiết nước về hạ nguồn. Mưa lớn cùng với các hồ chứa nước xả lũ khiến mực nước ở các sông dâng cao. Tính đến 9h ngày 15/11/2023, lũ trên sông Hương tại trạm Kim Long là +4,24m trên báo động III là 0,74m; trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc là +4,47m, dưới báo động III là 0,03m; sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình: 1,87m; sông Truồi tại trạm Truồi: 3,07m. Mực nước trên các sông này hiện vẫn duy trì ở mức cao trên báo động III, gây ngập lụt diện rộng.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, đến sáng 15/11, toàn TP Huế có 80% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ....) ngập bình quân 0,3-0,5m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh,...) ngập bình quân 0,3-0,8m. 

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân sơ tán khỏi nơi bị ngập lụt sâu

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân sơ tán khỏi nơi bị ngập lụt sâu

Tại các địa phương khác, như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập. Các địa phương đã rào, chắn, cảnh báo không cho người dân đi lại. Tại huyện miền núi A Lưới đã xảy ra tình trạng sạt lở đất trên đường mòn Hồ Chí Minh tại Km H9-395 dài khoảng 25m, giao thông bị tê liệt. 

Trước đó, vào chiều tối ngày 14/11, mưa to kèm gió lớn đã làm gãy đỗ cây, tốc mái 4 nhà nguời dân khu vực ven biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Đồn Biên phòng Lăng Cô (BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế) đã huy động 15 cán bộ, chiến sĩ phối hợp chính quyền, địa phương di dời người, tài sản người dân đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục các điểm cây bị đỗ gãy để người dân lưu thông giao thông. 

Tính đến trưa 15/11, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 14.382 nhà dân bị ngập do nước lũ, với mức ngập bình quân từ 0,3 - 1,2m. Để bảo đảm an toàn cho người dân, các địa phương tại Thừa Thiên Huế đã tổ chức di dời, sơ tán 892 hộ/2.280 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập sâu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông báo lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học ngày thứ tư (15/11/2023).

Tình trạng sạt lở đất trên đường mòn Hồ Chí Minh tại Km H9-395 dài khoảng 25m, đoạn qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tình trạng sạt lở đất trên đường mòn Hồ Chí Minh tại Km H9-395 dài khoảng 25m, đoạn qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tại Quảng Trị, mưa lớn trong những ngày qua cũng đã gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời, gây ngập lụt các khu dân cư tại huyện Đakrông, Hướng Hoá, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, TP Đông Hà. Riêng huyện Cam Lộ có khoảng 1.062 nhà dân và 5 điểm trường bị ngập trong ngày 14/11/2023. Chính quyền huyện Cam Lộ đã di dời, sơ tán 448 hộ/1.064 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện tại, nước đã rút người dân đã trở lại sinh hoạt bình thường. Thành phố Đông Hà có 197 hộ dân ở phường 4 bị ngập từ 20-30cm ngày 14/11/2023. Hiện tại, nước đã rút người dân đã trở lại sinh hoạt bình thường. Huyện Triệu Phong, Hải Lăng, ngập lụt cục bộ một số điểm khu dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông; nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Trong mưa lũ, có 3 người tại Quảng Trị bị mất tích. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương đã triển khai, bố trí các lực lượng hỗ trợ các gia đình tìm kiếm người mất tích.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ngày 15/11, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công điện chỉ đạo các địa phương. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an khẩn khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn; Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo vê mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đât; thông tin kịp thời, đây đủ đên các câp chính quyên, người dân biêt đê chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiếu thiệt hại; đồng thời chủ động triển khai ứng phó có hiệu quả với các diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra. Ông Đồng yêu cầu khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố các tuyến đường huyết mạch đảm bảo giao thông thông suốt, không bị chia căt. Có phương án dự trữ lương thực, thực phâm, nguôn cung tại các khu vực bị ngập sâu và chia cắt.

Empty
Các địa phương khẩn trương huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Các địa phương khẩn trương huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Dự báo trong những ngày tới, tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Lãnh đạo các địa phương yêu cầu triển khai sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt; các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất. Bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh