THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:00

HoREA: Thị trường bất động sản sụt giảm trong 10 tháng đầu năm

 

Ngày 6/11, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có cuộc họp với UBND TP.HCM để báo cáo về tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, bền vững.

Trong công văn số 139/CV-HoREA của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi UBND Thành phố cùng với các Sở ban ngành liên quan mới đây, HoREA đã khẳng định không xảy ra "bong bóng" bất động sản trong những tháng cuối năm 2018 đến Tết Kỷ Hợi nhưng phải giải quyết 7 điểm nghẽn đang tồn tại của thị trường.

Đáng chú ý, HoREA nhấn mạnh về suy giảm nguồn cung ở phân khúc bình dân như một yếu tố có thể sẽ gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

“Tình trạng quá thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị đang tiềm ẩn yếu tố gây bất ổn trong xã hội” - Trích công văn số 139/CV-HoREA.

Nhìn từ tổng quan về tình hình chung của thị trường, báo cáo cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch, riêng TP.HCM dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét.

Cụ thể, tại TP.HCM tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở từ 65 dự án là 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), tổng giá trị vốn huy động đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%.

HoREA cho rằng, cơ cấu sản phẩm này bị mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và đảm bảo an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ quá thấp, trong khi phân khúc cao cấp đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung.

Theo đó, trong một thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

So sánh với 9 tháng đầu năm 2017, tình hình thị trường bất động sản TP.HCM thể hiện sụt giảm, ở phân khúc bình dân giảm mạnh nhất: Số lượng dự án giảm 11,1%; Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%; Phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 9,6%; Phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%; Phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.

7 điểm nghẽn của thị trường bất động sản đã được HoREA nêu ra gồm: việc nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn; cách tính tiền sử dụng đất; điều kiện để chuyển nhượng dự án bất động sản; chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); tín dụng cho bất động sản và thủ tục hành chính.

Dự báo năm 2019, HoREA cho biết, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm thành phố được hưởng lợi thế "độc quyền" vì thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, HoREA cũng có khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn). Vì đây đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh