Hợp tác xây dựng lực lượng lao động cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam
- Bài thuốc hay
- 06:11 - 30/10/2021
Đây là hoạt động trung tâm thuộc chuỗi hoạt động Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 do Samsung và các đối tác tại Việt Nam hợp tác tổ chức. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức công đoàn quốc tế và trong nước, cùng các chuyên gia tham gia trực tiếp tại sự kiện và thông qua hình thức trực tuyến.
Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang bước vào Công nghiệp 4.0 như Việt Nam - xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động. Để hoàn thành tốt mục tiêu của chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực người lao động cho Công nghiệp 4.0, các sáng kiến hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu nâng cao năng lực trong môi trường doanh nghiệp cũng như ngoài xã hội có ý nghĩa quan trọng.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn đa phương MSF 2021 vừa tiếp nối và mở rộng mạch chủ đề xuyên suốt của chuỗi Diễn đàn đa phương suốt 3 năm qua, vừa đóng góp vào việc theo đuổi chiến lược lâu dài mà Việt Nam sẽ cần dốc sức thực hiện trong quá trình tái thiết sau Covid-19.
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn, Diễn đàn lần này kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài, cải thiện tiếng nói và vị thế cho người lao động trên cơ sở cải thiện tiếp cận bình đẳng tới các cơ hội, nhằm chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn và đón nhận các cơ hội mới mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang mở ra.
Thuộc chuỗi hoạt động Diễn đàn đa phương 2021, trong năm nay đã tiến hành các nghiên cứu và hoạt động, bao gồm: Nghiên cứu về "Thực trạng tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0 & hàm ý cho hợp tác công tư"; nghiên cứu về "Nhận diện quan hệ lao động trong thời kỳ công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho việc nâng cao vị thế và bảo vệ người lao động tại Việt Nam"; hội thảo bên lề về "Thu hẹp khoảng cách về quan điểm và thực hành cùng tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể".
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết trong bài phát biểu khai mạc, kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cũng theo ông Công, với vai trò tổ chức quốc gia đại diện người sử dụng lao động ở Việt Nam, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các bên trong việc phát triển và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp, cũng như giải quyết bài toán lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, bao gồm cả đào tạo kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên… Đây cũng chính là chủ đề được các đối tác đồng tổ chức bao gồm VCCI, Samsung Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn cho Diễn đàn đa phương MSF 2021 năm nay, khẳng định sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chủ thể nhằm hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong nền kinh tế số bao trùm, mang lại cả giá trị kinh tế và giá trị nhân văn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.Chia sẻ tầm nhìn tại Diễn đàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực, mang đến nhiều cơ hội mới nhưng đặt ra không ít thách thức cho người lao động. Cùng với sự cộng hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19 làm cho khó khăn vốn đã nặng nề này còn nặng nề hơn. Để vượt lên thách thức đó, tổ chức công đoàn và người lao động phải nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, nhất là trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn để vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Người lao động là nhân tố có vai trò quan trọng, là người biến công nghệ thành sản phẩm, mang tình cảm, trách nhiệm của mình đến các sản phẩm, dịch vụ chung cho xã hội. Nhưng người lao động không thể đứng một mình mà cần sự hợp tác, chung tay của các bên để biến mục tiêu thành hiện thực.
“Tại diễn đàn này, chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề đặt ra, cùng thảo luận, trao đổi, hợp tác để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp. Về phía tổ chức Công đoàn Việt Nam, chúng tôi cam kết nỗ lực cao nhất để tuyên truyền, vận động người lao động tự thay đổi; tiếp tục nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, để có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Diễn đàn Đa phương (MSF) là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.