THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:00

Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận: Gian nan để đến thành công

 

Phong kể, cách đây 10 năm,  làm nghề chụp ảnh, cuộc sống cũng tạm ổn. Thế nhưng Phong lại mang trong mình nhiều căn bệnh như cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, thiếu máu cơ tim, khó thở. Thuốc tây, thuốc nam dùng suốt, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thế rồi tình cờ nghe có người mách uống nấm linh chi rất hợp. Phong nghe theo và quả nhiên sau 3 tháng uống nấm linh chi, bệnh tình biến mất. Có một câu hỏi làm Phong luôn đau đáu, người ta làm bán được tại sao mình không thử, và nếu làm được thì chính mình sẽ là bạn hàng lớn nhất khi mỗi tháng, Phong phải bỏ ra vài triệu để mua nó chữa bệnh cho mình. Nghĩ là làm, Phong bỏ ngang nghề chụp ảnh khăn gói ra Hà Nội học nghề làm nấm. Người mà Phong thọ giáo chính là PGS- TS Nguyễn Thị Chính - bà chúa nấm linh chi của Việt Nam, Bà cũng là giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học. Với chi phí học nghề hơn 50 triệu đồng và sau vài tháng học hỏi kinh nghiệm, cách làm, Phong mang những kiến thức đã học hỏi cùng một ít dụng cụ được hỗ trợ về Quảng Ngãi gầy dựng nghề trồng nấm linh chi, nấm đầu khỉ. Lúc đầu khi khăn gói đi học nghề, em nghĩ học xong là trồng, đơn giản vậy nhưng khi bắt tay vào làm, hàng loạt những khó khăn mới cũng bắt đầu nảy sinh, đó là vốn, là thiết bị chuyên dụng để làm giống, là cơ sở vật chất, Phong nhớ lại. Món quả khi “tốt nghiệp” mà bà Chính tặng cho Phong là một cái lò hấp mini để khử trùng nguyên liệu, dần dà Phong mua cái thùng phuy về chế thành lò lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà

Sau hơn 1năm loay hoay tìm hướng đi, điều làm Phong nhận ra chính là giữa học lý thuyết và làm thức tế có khoảng cách cực kỳ xa. Khi đi học ngoài Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, họ  sản xuất đại trà, qui mô lớn với trang thiết bị, nguồn vốn đầu tư dồi dào, cho ra sản phẩm đạt chuẩn, đạt chất lượng và kinh doanh rất hiệu quả. Còn thực tế khi áp dụng vào trồng nấm tại quê nhà Phong liên tục bị thất bại vì thiếu đủ thứ. Nấm là loại cây trồng cực kỳ khó tính, đã nhiễm khuẩn là cây nấm tự chết hoặc teo lại không phát triển nữa. Chính vào thời điểm có nguy cơ dẫn đến thua lỗ và hụt hơi, mô hình trồng nấm của Phong lại lọt vào mắt của một số lãnh đạo xã, mà người khơi ngòi để Phong thành lập trang trại nấm chính là Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, Nguyễn Văn Liêm (hiện là Bí thư Đảng ủy xã Đức Nhuận).

Chủ nhiệm HTX Nấm Đức Nhuận -Lê Giang Phong kiểm tra nguyên liệu chuẩn bị cho vụ mới. ảnh: Đông Hải.

Ngay sau đó xã Đức Nhuận lập tức cho Phong thuê đất. Thời điểm năm 2009, sau vài tháng thành lập trang trại, hoạt động sản xuất-kinh doanh của Phong vô cùng thuận lợi, có những đơn hàng lớn, khách hàng tìm đến khá. Nhưng cũng chính vào cuối năm đó, một trận lụt đã biến những thành quả lao động trong 2 năm của Phong trở về con số 0. Hết vốn, cơ sở vật chất hư hại nặng, trang trại bị nhiễm khuẩn. Rất may, Hội nông dân xã lúc ấy đã hỗ trợ cho trang trại 1 lò hấp trị giá 30 triệu đồng cùng số cũng vốn tương tự như vậy, Phong bắt đầu gây dựng lại sản xuất. Năm 2010 được xem là khá thành công về sản xuất cũng như kinh doanh, trang trại nấm bắt đầu lấy lại được uy tín, khách hàng.

Năm 2011, Sở Khoa họcvà Công nghệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi tiến hành triển khai các mô hình làng nghề trên cơ sở phát triển bền vững và lâu dài. Sau khi trình bày, đề án của Phong được chấp thuận đầu tư cả một dây chuyền, công nghệ, học tập kinh nghiệm thực tề tại nhiều địa phương có mô hình trồng nấm tiên tiến như TPHồ Chí Minh, Đồng Nai, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa…với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Có thể xem đề án này là bước tiến quan trọng làm tiền đề để HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận ra đời dù rằng con đường để đề án đi vào hoạt động mất gần một năm nữa để vận hành trơn tru khối công nghệ mới. Song song với việc thành lập HTX và xây dựng cơ sở hạ tầng, vận hành thiết bị mới, tập huấn kỹ thuật cho các xã viên mới, Phong còn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng mỗi khi đưa nguyên liệu vào sản xuất vì thiết bị mới, hiện đại, sản xuất qui mô  nhưng nếu mỗi mẻ bị hỏng sẽ mất trắng vài chục triệu đồng. Cạnh tranh là tất yếu trong kinh doanh và HTX Nấm Đức Nhuận cũng không nằm ngoại lệ, khi mô hình bắt đầu cho hiệu quả, số lượng xã viên tăng lên hơn con số 10 cũng là lúc nhiều luồng dư luận chĩa vào HTX, lời tốt cũng có, mà tiếng xấu cũng không ít, một mặt phải làm tốt, làm có hiệu quả, Phong cùng toàn thể xã viên cũng gặp không ít những thăng trầm của nghề làm nấm.  

 

Xã viên HTX đang chăm sóc nấm linh chi. ảnh: Đông Hải

Dự án chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn cũng là cơ hội để HTX chuyển giao công nghệ làm nấm cho các hộ tham gia vào HTX. Năm 2013, HTX ký được hợp đồng lớn. Để đáp ứng hợp đồng này, HTX phải cần một lượng vốn khá lớn, khoảng 200 triệu đồng. Lực cản lớn nhất lúc bấy giờ là các ngân hàng chuyên ngành như nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không cho vay. Hợp đồng thì đã ký mà không thực hiện là coi như mất trắng uy tín, thương hiệu. Và ở thời khắc khó khăn ấy, gia đình một lần nữa lại là chỗ dựa để Phong và HTX tiến lên. Gia đình cho mượn sổ đỏ vay 160 triệu, còn lại mỗi hộ xã viên vay từ ngân hàng chính sách Xã hội mỗi hộ được khoảng 20 triệu đồng. Có vốn rồi, lứa nấm linh chi, nấm bào ngư đầu tiên chuẩn bị được sản xuất thì vận đen vẫn chưa hết đeo bám, trận lụt năm 2013 lại một nữa cuốn văng tài sản, nguyên liệu cũng như nỗ lực của toàn thể xã viên HTX. Hậu quả là nguyên năm 2013 HTX chỉ hoạt động cầm chừng, chuẩn bị nguyên vật lực cho năm 2014. Năm 2014, khi mùa nấm thu hoạch tốt, HTX lại phải đối diện với một sự thật là đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ không hề đơn giản, nhất là với mặt hàng thực phẩm cao cấp như nấm, loại hàng hóa đòi hỏi phải qua hàng loạt các chứng chỉ kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm theo qui chuẩn rất khắt khe. Thương hiệu Linh chi Giang Phong của HTX SX-KD Đức Nhuận phải mất 6 năm thăng trầm mới có được sản phẩm tốt nhất và thêm 2 năm để xây dựng thương hiệu đạt chuẩn với 3 không, không dùng hóa chất, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các loại chất kích thích.  

Nấm bắt đầu phát triển. ảnh: Đông Hải.

Bây giờ, khi tổng kết 2 năm gần đây, nhất là 2015 và đầu 2016, Chủ nhiệm HTX Lê Giang Phong cho biết,  HTX đã hoạt động và kinh doanh ổn định hơn, đời sống xã viên đã được nâng lên, nguồn vốn tái đầu tư cũng có nhưng HTX lại phải bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cả về chất và lượng, cạnh tranh để đứng vững trên thương trường. Đúc kết lại gần 10 năm làm nấm, Phong chia sẻ, bài học và thành quả  lớn nhất mà anh nhận được là sức khỏe của chính mình, Phong đã chiến đấu với bệnh tật, với khó khăn của thương trường, của sức ép tử cái mới luôn biến thiên từng ngày. 

Đông Hải/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh