THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:12

Hợp tác Công nghệ thông tin và Truyền thông giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Việt Nam đang nổi lên là một trong những trung tâm Công nghệ số và CNTT-TT trong khu vực ASEAN với việc các công ty Công nghệ Đa quốc gia danh tiếng như Samsung, LG, IBM, Intel, Oracle, Canon, Fujitsu, Foxxcon đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Lĩnh vực CNTT-TT đã đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đồng thời khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty CNTT-TT lớn trên thế giới.

Hội thảo Hợp tác Công nghệ thông tin và Truyền thông giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các chuyên gia đầu ngành làm việc tại Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia

Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Cũng theo Chiến lược đề ra, Việt Nam đang tập trung phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và thành lập các Doanh nghiệp số Việt Nam. Hướng tới mục tiêu này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phát triển khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử thông qua các nền tảng nội địa, phát triển công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn và an ninh mạng, nâng cao năng lực về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, Blockchain...

Tương tự, theo Sứ mệnh Ấn Độ số, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu biến Ấn Độ thành một nền kinh tế và xã hội được thúc đẩy bởi kỹ thuật số thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cốt lõi cho mọi công dân, thực hiện công tác quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, và nâng cao quyền công dân thông qua kĩ thuật số. Sứ mệnh Ấn Độ số được dựa trên sự phát triển của chín trụ cột: Phủ sóng băng thông rộng toàn quốc, Truy cập toàn cầu với kết nối di động, Chương trình truy cập Internet công cộng, Quản trị điện tử, e-Kranti - Cung cấp dịch vụ điện tử, Thông tin cho tất cả mọi người, Sản xuất điện tử, Việc làm trong lĩnh vực CNTT và Các chương trình Thu hoạch sớm.

Ấn Độ đã nổi lên là một trung tâm năng lực kỹ thuật số với khả năng cạnh tranh cao được công nhận trên toàn thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ CNTT. Doanh thu của ngành CNTT Ấn Độ đạt khoảng 175 tỷ USD trong giai đoạn 2019-20 với xuất khẩu chiếm khoảng 147 tỷ USD. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lĩnh vực phần cứng và phần mềm máy tính của Ấn Độ thu hút dòng vốn FDI cao thứ hai vào Ấn Độ với 71 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2021.

Ấn Độ cũng là một trong những điểm đến được ưa thích  cho việc thiết lập Trung tâm Năng lực Toàn cầu (GCC) với 50% tổng số GCC được đặt tại Ấn Độ. Các ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ đã và đang phát triển chuyên môn về công nghệ 5G, điện toán đám mây, công nghệ hỗ trợ Quản trị điện tử, các loại hình công nghệ bền vững như pin thân thiện với môi trường, nguồn năng lượng tái tạo & quản lý hệ thống điện; cũng như trong các loại hình công nghệ mới nổi như ứng dụng Trí thông minh nhân tạo, Blockchain, Internet Vạn vật (IoT), Ngành rô-bốt, In ấn 3D và Truyền thông công nghệ...

Trong những năm qua, lĩnh vực ICT nổi lên là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều công ty CNTT Ấn Độ đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Các công ty này góp phần nâng cao năng lực CNTT-TT của Việt Nam thông qua đào tạo CNTT và cung cấp các giải pháp và dịch vụ CNTT trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, công nghệ du lịch và an ninh mạng, v.v. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập các cơ chế thể chế nhằm tạo điều kiện hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT. Điều này cũng đã được nhấn mạnh một lần nữa trong bản Tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người được Thủ tướng hai nước thông qua vào tháng 12/2020.

Hội thảo trực tuyến lần này dự kiến sẽ mời các công ty CNTT Ấn Độ và Việt Nam cùng xác định các lĩnh vực hợp tác trọng tâm.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh