Hơn nửa triệu thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 01:06 - 01/10/2015
Ảnh minh họa.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2015 (ngày 30/9), Bộ GD&ĐT đã báo cáo chi tiết về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015; công tác xét tuyển ĐH, CĐ cùng những tác động tích cực và hạn chế của kỳ thi này.
Theo đó, kỳ thi quốc giaTHPT quốc gia 2015 được tổ chức tại 99 cụm thi với khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Trong đó có 728.830 thí sinh (chiếm hơn 72%) thi tại 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì; 276.796 thí sinh (chiếm gần 28%) thi tại 61 cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì.
Trên phạm vi cả nước có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71% (năm 2014 là 99,09%), trong đó khối giáo dục THPT là 93,57%, khối giáo dục thường xuyên là 69,92% (năm 2014 lần lượt là 98,07% và 89,01%).
Bộ GD&ĐT đánh giá các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn so với các địa phương có điều kiện khó khăn. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn khu vực miền núi; ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì cao hơn cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì…
Trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 là 647.222, bao gồm 396.810 chỉ tiêu ĐH và 250.412 chỉ tiêu CĐ. Còn số chỉ tiêu đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ từ kỳ thi THPT quốc gia khoảng hơn 516.000 (gồm khoảng 366.000 chỉ tiêu ĐH và 156.000 chỉ tiêu CĐ) và số chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ, theo đề án tự chủ tuyển sinh là 130.000.
Kết quả, tính đến ngày 15/9, các trường ĐH, CĐ đã xét trúng tuyển 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu (năm 2014 là 505.000 thí sinh), trong đó ĐH là 415.870 (đạt 97,6%), CĐ là 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định.
Kết quả xét tuyển cho thấy khối ngành công an, quân đội, y dược, luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là các ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính-ngân hàng.
Nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp và công nghệ khó tuyển sinh, tuy nhiên, những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… kết quả tuyển được vẫn cao.
Đáng chú ý, theo Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh năm nay đã bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH, CĐ; không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trình độ ĐH hay CĐ.
“Nếu thí sinh xác định được trường phù hợp với điểm thi của mình thì sẽ không còn tình trạng thí sinh điểm cao bị trượt, điểm thấp lại trúng tuyển”, Báo cáo cho biết.
Theo Bộ GD&ĐT, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi ĐH, CĐ trong mỗi năm trước đây thì chi phí cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 giảm xuống do chỉ còn 1 đợt. Thời gian thi tối đa từ 9 ngày xuống còn 5 ngày với số môn thi tối đa giảm từ 7-13 môn xuống còn 4-8 môn; thay vì tập trung về 6 cụm thi ĐH, CĐ thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận nên giảm tốn kém cho thi sinh, gia đình và xã hội…
Tuy nhiên, những sự cố, bất cập liên quan đến sử dụng cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung, cũng như quy chế đăng kỹ xét tuyển đợt 1, thay đổi nguyện vọng bổ sung... dù chỉ tập trung ở một số ít trường cũng đã gây ra hình ảnh không tốt đối với dư luận. Bộ GD&ĐT cầu thị, lắng nghe, từ đó kịp thời đưa ra phương án xử lý, khắc phục kịp thời trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh và gia đình.
Bộ GD&ĐT đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục, đào tạo.