THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:09

Hơn 97% xã, phường tại Thừa Thiên Huế thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội điện tử

Thu thập thông tin, mở tài khoản để chi trả chính sách trợ cấp xã hội bằng phương thức điện tử cho người dân tại Thừa Thiên Huế. Ảnh tư liệu

Thu thập thông tin, mở tài khoản để chi trả chính sách trợ cấp xã hội bằng phương thức điện tử cho người dân tại Thừa Thiên Huế. Ảnh tư liệu

Ngày 17/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị sơ kết công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức điện tử giai đoạn 2021-2023. 

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, qua triển thực hiện, phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội điện tử có nhiều ưu việt, tạo sự thuận tiện, nhanh gọn cho đối tượng, tránh tập trung đông người cũng như không mất nhiều nhân lực, thời gian để thực hiện việc chi trả, thuận lợi trong công tác thanh quyết toán kinh phí, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19... Từ khi chính thức triển khai đến nay, phương thức này đã được chính quyền, người dân và đối tượng hưởng ứng tích cực. 

Công tác triển khai có sự tham gia đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể cấp cấp xã, thôn/tổ dân phố, sự phối hợp tốt của cơ quan cung ứng dịch vụ và sự hưởng ứng tích cực của đối tượng, người dân nên việc triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi.

Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã có 137/141 xã, phường, thị trấn đã triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 97,16%. 

Viettel Thừa Thiên Huế phối hợp với 5 địa phương trong việc thu thập thông tin mở tài khoản để chuyển đổi sang phương thức chi trả điện tử là 33.940/35.219 đối tượng, đạt tỷ lệ 96,36%. Số đối tượng và người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả qua tài khoản trên tổng số đối tượng là 21.334/35.219 đối tượng được mở tài khoản, đạt tỷ lệ 61%.

Bưu điện tỉnh phối hợp với Vietin Bank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với 5 địa phương mở tài khoản cho 14.307/25.519 đối tượng chiếm tỷ lệ 56,06%. Số đối tượng và người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả qua tài khoản trên tổng số đối tượng là 11.720/25.519 đối tượng, đạt tỷ lệ 46%.

Như vậy, đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 48.247/60.738 đối tượng trực tiếp, người ủy quyền, người giám hộ được mở tài khoản, chiếm tỷ lệ 79% trên tổng số đối tượng. Tổng số đối tượng, người được ủy quyền, người giám hộ được chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản trên địa bàn tỉnh là: 33.054/60.738 đối tượng, chiếm tỷ lệ 54%.

Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã có những trao đổi về một số khó khăn và tồn tại trong triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức điện tử. Đồng thời có những kiến nghị, đề xuất và những giải pháp để triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức điện tử trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, đề nghị ngành LĐ-TB&XH nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các nhiệm vụ. Theo ông Bình, chủ trương của tỉnh là triển khai ứng dụng công nghệ trong các giao dịch thương mại điện tử. Việc triển khai chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức điện tử phải xây dựng quy trình chặt chẽ, cụ thể, hiệu quả. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát và phân chia địa bàn để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả; tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các giao dịch bằng phương thức điện tử; đảm bảo các giao dịch miễn phí cho người dân. 

Các đơn vị cung ứng dịch vụ cần có cách thức phối hợp với các địa phương trong chi trả điện tử cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nội dung chuyển đổi phương thức chi trả bằng tiền mặt sang phương thức chi trả điện tử.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh