THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:43

Hơn 86% dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

Nỗ lực của các bộ, ngành

Trong 6 tháng năm 2015, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực vào cuộc để hoàn thành các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) đề ra. Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2016 trên cơ sở mục tiêu của Chiến lược cấp NS&VSMTNT đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang…

Phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC rà soát đánh giá lại toàn bộ giá trị các công trình cấp nước trên cả nước làm căn cứ xác định giá trị công trình và thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý đối với những công trình hoạt động kém hiệu quả. Hiện 57/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thông tư và phấn đấu đến hết quý III/2015, toàn bộ thông tin được đưa lên Website của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn tài trợ: Tiếp tục thực hiện Chương trình cấp nước dựa vào kết quả do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng (PforR). Đến nay đã giải ngân được gần 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25% cả giai đoạn 2013-2018. Tiếp tục triển khai dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường  nông thôn miền Trung, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; hướng dẫn các địa phương thực hiện các cam kết với các nhà tài trợ: DANIDA, DFAT, UNICEF, WHO, LienAID...

Nước sinh hoạt hợp chuẩn  đã về nhiều vùng quê.

Bộ Y tế tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm soát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt tại 6 địa phương: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Xây dựng các mô hình thí điểm “Cộng đồng hoàn thành dứt điểm công trình vệ sinh hộ gia đình” tại 7 tỉnh. Dự án cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa vào kết quả - WASHOBA tại 4 tỉnh Bến Tre, Bình Định, Thái Nguyên, và Bắc Giang; dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả - WASHOBA”... 

Hơn 69% người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh

          Theo kết quả tổng hợp từ các địa phương, đến nay tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 86,2%, trong đó: Vùng cao nhất: Đông Nam bộ (96,8%); vùng thấp nhất: Bắc Trung bộ (81,6%). Tỷ lệ người nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 69,2%, trong đó Đông Nam bộ (89,9%); vùng thấp nhất: Bắc Trung bộ (47,5%).

           Để sớm hoàn thành các mục tiêu, các địa phương đã sử dụng có hiệu quả nguồn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước và nhà vệ sinh hộ gia đình. Trong 5 tháng năm 2015 doanh số cho vay đạt hơn 3.000 tỷ đồng, với 539.689 hộ vay (270.464 hộ vay làm công trình cấp nước và 269.225 hộ vay làm nhà vệ sinh) tăng hơn 58.000 hộ so với cùng kỳ năm 2014; dư nợ đến cuối tháng 5 năm 2015 đạt hơn 17.284 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.

          Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm là tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của chương trình, chú trọng các mục tiêu về vệ sinh nông thôn, cấp nước và vệ sinh trong trường học đảm bảo đạt kế hoạch của 2015.  Bên cạnh đó là việc chủ động xây dựng kế hoạch năm 2016  theo hướng dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án tăng cường hiệu quả sau đầu tư, ưu tiên cho mở rộng, nâng cấp, sửa chữa các công trình, có phương án đảm bảo nguồn lực cho công tác quản lý vận hành. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước của các Sở NN&PTNT, Y tế, GD&ĐT tại các địa phương.

          Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông.Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý vận hành của các công trình đã đầu tư, nhất là các công trình phân cấp cho huyện, xã đầu tư và quản lý khai thác tiếp theo. Tiếp tục lộ trình thúc đẩy thực hiện đầu tư theo mô hình công-tư (PPP), bao gồm cả phối hợp với các tổ chức phi chính phủ quốc tế  xây dựng kế hoạch hình thành chuỗi cung ứng các dịch vụ cấp nước và vệ sinh hộ gia đình nông thôn sử dụng vật liệu tại chỗ...

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh