Hơn 6,4 triệu hộ được vay vốn tín dụng chính sách
- Dược liệu
- 18:07 - 06/04/2021
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh hoạt động kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng chịu ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động bám sát Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2021. Tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến hết tháng 3, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 239.201 tỷ đồng, tăng 5.774 tỷ đồng so năm 2020. Các đơn vị trong toàn hệ thống tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 22.869 tỷ đồng, tăng 2.554 tỷ đồng so năm 2020.
Tổng dư nợ đến 31/3 đạt 230.554 tỷ đồng, tăng 4.357 tỷ đồng so cuối năm 2020, hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Trong đó, trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt 56.004 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 39,3 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng; dư nợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân một hộ trong khu vực đạt 37 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng. Tín dụng tập trung chủ yếu vào phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 169.524 tỷ đồng, chiếm 73,5% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 61.030 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,5% tổng dư nợ. Chất lượng nợ tiếp tục được thực hiện tốt, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,72% trên tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,21%.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Gần 20 năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động; giúp trên 211 nghìn học sính sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng hơn 216 nghìn căn nhà ở cho hộ đồng bào,...
Định hướng nhiệm vụ trong quý II-2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ban điều hành Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021. Tổ chức huy động các nguồn vốn trong đó đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, huy động tiền gửi từ tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để đảm bảo nguồn vốn cho vay. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra, triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.Tập trung chỉ đạo công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp.
Bên cạnh đó, nâng cấp các phần mềm ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp. Nghiên cứu, tìm hiểu các nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến từ đó đề xuất triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng.