THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Hơn 614,56 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu

Theo Worldometers, đến sáng 14/9, thế giới có trên 614,56 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,51 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 97,16 triệu ca mắc và hơn 1,076 triệu trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,76 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại Brazil, tổng cộng trên 34,58 triệu người đã mắc COVID-19, mức cao thứ tư thế giới, bao gồm trên 684.900 ca tử vong, cao thứ hai thế giới sau Mỹ

Châu Âu đã phê duyệt vaccine mới nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5. (Ảnh: AP)

Châu Âu đã phê duyệt vaccine mới nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5. (Ảnh: AP)

 

Nhật Bản đặt mục tiêu dỡ bỏ giới hạn lượng du khách nhập cảnh hàng ngày vào cuối tháng 10 tới, trong bối cảnh đất nước "Mặt trời mọc" đang tìm cách vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 làm vắng bóng khách du lịch.

Ngoài việc dỡ bỏ giới hạn lượng người nhập cảnh, hiện ở mức 50.000 người/ngày, Chính phủ Nhật Bản dự kiến thảo luận việc cho phép du khách nước ngoài du lịch mà không cần hướng dẫn viên.

Đối với du lịch nội địa, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khởi động lại chương trình trợ cấp trên toàn quốc, sớm nhất là vào cuối tháng 9 này, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm. Mỗi người du lịch được hỗ trợ 11.000 Yen (77 USD) cho một đêm lưu trú. Điều kiện được nhận hỗ trợ theo chương trình này là phải tiêm ít nhất 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Nhật Bản xác định cân bằng giữa việc mở cửa đón du khách nước ngoài và đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19 trong nước. (Ảnh: AP)

Nhật Bản xác định cân bằng giữa việc mở cửa đón du khách nước ngoài và đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19 trong nước. (Ảnh: AP)

 

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo, nước này cần sẵn sàng cho kịch bản phải chống đỡ "nguy cơ kép", khi đợt bùng phát dịch COVID-19 có thể xảy ra cùng lúc với dịch cúm mùa vào mùa thu - đông năm nay. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong khoảng thời gian từ ngày 28/8 đến ngày 3/9 vừa qua, cứ 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú thì có tới 4,7 người có các triệu chứng của cúm mùa, tăng so với 4 tuần trước đó.

Các chuyên gia y tế cho rằng khi kịch bản này xảy ra, cần phải có một quy trình từ đầu đến cuối, để sẵn sàng phát hiện và điều trị bệnh, cũng như cân nhắc triển khai xét nghiệm PCR để xác định đồng thời bệnh cúm và COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng lên kế hoạch tiêm chủng cả vaccine phòng COVID-19 và cúm mùa cùng lúc.

Vaccine ngừa COVID-19 nội địa Indovac của Indonesia đang trải qua giai đoạn thử nghiệm lần thứ 3 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng để tiêm mũi tiêm tăng cường trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình giám sát thử nghiệm lâm sàng vaccine Indovac, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) Pahala Nugraha Mansury đã khẳng định, sản phẩm này sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Thành công của Indovac được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ bên ngoài trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Thứ trưởng Pahala hy vọng, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) có thể sớm cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Indovac.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, nước này mới chỉ đạt 26,37% trong mục tiêu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, tương đương với 61,87 triệu liều trên tổng mục tiêu 234,6 triệu liều. Indovac được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được đại dịch COVID-19 tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh