THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

Hơn 612,27 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Theo Worldometers, đến sáng 9/9, thế giới có trên 612,27 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,51 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 96,87 triệu ca mắc và hơn 1,074 triệu trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,47 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,66 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, về số ca tử vong vì COVID-19 với hơn 684.600 trường hợp. Hiện Brazil ghi nhận trên 34,54 triệu người mắc COVID-19, sau Mỹ, Ấn Độ và Pháp.

Châu Âu khuyến nghị ưu tiên tiêm các vaccine cải tiến ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ lây nhiễm cao và nhân viên y tế. (Ảnh: AP)

Châu Âu khuyến nghị ưu tiên tiêm các vaccine cải tiến ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ lây nhiễm cao và nhân viên y tế. (Ảnh: AP)

Giới chức y tế Australia, các bang và vùng lãnh thổ của nước này sẽ thay đổi kỳ báo cáo số ca mắc COVID-19 từ hàng ngày sang hàng tuần. Việc báo cáo thống kê hàng tuần sẽ được triển khai đồng nhất trên tất cả các địa phương ở Australia. Các số liệu sẽ bao gồm số ca mắc mới, số ca tử vong mới và tổng số ca tử vong, tỷ lệ tiêm chủng và số ca nhập viện, bao gồm cả số ca cần chăm sóc tích cực và bệnh nhân thở máy.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Chính phủ Australia họp vào cuối tuần trước để thông qua việc rút ngắn thời hạn bắt buộc cách ly đối với nhiều bệnh nhân COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Thời gian cách ly ngắn hơn sẽ được áp dụng từ ngày 9/9 đối với những người dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng, trong khi thời hạn 7 ngày sẽ vẫn áp dụng đối với những người làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao như chăm sóc người già và người khuyết tật. Bên cạnh đó, yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay nội địa cũng sẽ được dỡ bỏ vào ngày 9/9.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19. Đối với người mắc COVID-19 có triệu chứng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Đối với những người không có triệu chứng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Ngày 7/9, nước này ghi nhận hơn 129.000 ca nhiễm mới, giảm khoảng 40.000 ca so với một tuần trước đó. Con số này vào ngày 8/9 là 126.487 trường hợp. Hiện Nhật Bản có tổng cộng trên 19,76 triệu người mắc COVID-19.

Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Ngày 8/9, thành phố Thành Đô (Trung Quốc) đã mở rộng phong tỏa đối với phần lớn trong số hơn 21 triệu cư dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Chính quyền Trung Quốc cho biết hôm 8/9, Thành Đô đã phát hiện 116 trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày 7/9, so với 121 ca một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa dự kiến ​​sẽ được dỡ bỏ vào ngày 7/9, nhưng giới chức địa phương cho biết vào cuối ngày hôm đó rằng virus vẫn có nguy cơ lây lan ở một số khu vực.

Trong số 21,2 triệu cư dân của thành phố, 16 triệu người đang bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Cư dân ở các khu vực bị đóng cửa sẽ phải xét nghiệm COVID-19 hàng ngày và những người có kết quả dương tính sẽ bị cách ly. Người dân trong các khu vực được coi là có nguy cơ cao không được phép ra khỏi nhà của họ. Thành Đô đang đặt mục tiêu không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong vòng một tuần.

Theo thống kê, trong tuần cuối tháng 8, số ca mắc COVID-19 trung bình theo ngày ở Hàn Quốc là 85.540 ca, giảm so với khoảng 127.000 trường hợp/ngày trong tuần trước đó. Bất chấp việc số ca nhiễm giảm xuống, ngành y tế nước này vẫn kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác vì nguy cơ lây nhiễm có thể tăng lên trong kỳ nghỉ.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh