Hơn 50% người di cư có thu nhập tốt hơn so với trước
- Dược liệu
- 21:46 - 25/01/2017
Theo số liệu Tổng cục thống kê đưa ra, có tới 52% người di cư trả lời họ có thu nhập tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều so với trước kia, và chỉ có 12,8% trả lời xấu hơn hoặc xấu hơn nhiều. Tương tự vậy, cũng khoảng một nửa số người di cư cho rằng môi trường sống, chăm sóc sức khỏe của họ sau khi di cư được cải thiện hơn so với trước đây và chỉ có khoảng dưới 15% người di cư có ý kiến không hài lòng về vấn đề này. Các phỏng vấn sâu cho thấy người di cư đến thường hài lòng với công việc và thu nhập của họ hơn những người di cư quay về, di cư gián đoạn. Những người di cư quay về quê hương thường là vì lý do gia đình, và sau khi đã cân nhắc giữa sự không hài lòng với công việc mới với sự hài lòng ở các khía cạnh khác của điều kiện sống của họ.
Cuộc sống ở nơi ở mới của người di cư cao hơn nơi cũ.
Điều kiện nhà ở là vấn đề cơ bản mà người di cư không hài lòng. Có tới gần 30% người cho biết điều kiện nhà ở của họ sau khi di cư kém hơn hoặc kém hơn nhiều so với trước di cư. Tỷ lệ này thấp hơn so với kết quả của điều tra di cư Việt Nam năm 2004 (40%). Tỷ lệ người di cư đến không hài lòng về điều kiện nhà ở cao hơn so với người di cư quay về, di cư gián đoạn.
Các phỏng vấn sâu cho thấy có sự không hài lòng về nhà ở tại nơi đến thường là người di cư phải thuê nhà và phải trả tiền điện và nước cao hơn so với người không di cư. Người di cư cho rằng nơi ở hiện tại ít bị lụt lội, hạn hán so với nơi cư trú trước khi di chuyển, tuy nhiên đây cũng là những nơi “dân cư đông đúc” hơn, mức độ “ô nhiễm khí thải” nhiều hơn, mức độ “ô nhiễm nguồn nước” cao hơn và “nhiệt độ trung bình” tăng hơn so với nơi cư trú cũ. Đặc biệt, người di cư ở khu vực thành thị chịu tác động của các vấn đề này trầm trọng hơn so với người di cư ở khu vực nông thôn. Các vấn đề về tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm do có nhiều công trình xây dựng đang thi công cũng được đề cập trong các phỏng vấn định tính. Tuy nhiên, những lo lắng này vẫn ít hơn so những lợi ích có được từ việc di cư.
Kết quả điều tra cho thấy có khoảng 30% người di cư cho biết họ gặp những khó khăn ở nơi ở hiện tại. Tỷ lệ nữ gặp khó khăn cao hơn so với nam giới, người di cư ở vùng nông thôn gặp khó khăn nhiều hơn so với ở thành thị, người di cư đến gặp khó khăn nhiều hơn so với người di cư quay về và di cư gián đoạn.
Trong tất cả những khó khăn gặp phải thì khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất. Nhìn chung, có tới 42,6% di cư cho biết họ gặp khó khăn về chỗ ở. Những khó khăn chủ yếu tiếp theo mà người di cư gặp phải gồm: “không có nguồn thu nhập” (38,9%); “không tìm được việc làm” (34,3%) và “không thích nghi với nơi ở mới” (22,7%). Riêng Tây Nguyên, ngoài những khó khăn trên, người di cư còn gặp nhiều khó khăn như “không được cấp đất” (26,6%); “khó tiếp cận nguồn thông tin” (23,9%) và “khó khăn về nước sinh hoạt” (14,9%).
Với những khó khăn gặp phải, rất ít người di cư tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, mà họ thường dựa vào người thân thích nhất trong gia đình. Hơn 60% người di cư gặp khó khăn cho biết họ tìm sự giúp đỡ của người thân thích nhất. Tỷ lệ tìm sự giúp đỡ từ họ hàng là 32,6% và từ bạn bè là 40,5%. Giúp đỡ chủ yếu nhất mà người di cư nhận được là sự “động viên tinh thần” với khoảng 70% người di cư gặp khó khăn cho biết họ đã nhận được hình thức giúp đỡ này. Ngoài ra, 50,8% nhận được giúp đỡ về chỗ ở, khoảng 35% được giúp đỡ về tiền bạc.
Kết quả điều tra một lần nữa cho thấy mạng lưới xã hội đã đóng vai trò to lớn trong quá trình di chuyển cũng như ổn định cuộc sống ở nơi đến/nơi trở về của người di cư. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ những người di cư gặp khó khăn tương đối mờ nhạt. Trong số những người di cư gặp khó khăn ở môi trường mới, có khoảng 80% trong số họ cho biết đã nhận thức được những khó khăn này trước khi di chuyển. Tỷ lệ không nhận biết khó khăn của di cư tương đối ít, tuy nhiên 71,3% trong số họ cho biết họ vẫn cứ di chuyển nếu biết trước có khó khăn.
Như vậy, những khó khăn mà người di cư gặp phải, dù họ có biết trước hay không, không bị coi là những trở ngại cho việc di cư. Kết quả điều tra cho thấy đa số (86,5%) người di cư đã đăng kí thường trú/tạm trú trong đó tỷ lệ đăng kí KT1 (thường trú) là cao nhất (chiếm 37,4% tổng số người di cư), tiếp theo là KT3 (tạm trú dài hạn) và KT4 (tạm trú ngắn hạn), chiếm tới 23% và 17,2% số người di cư. Tỷ lệ đăng kí KT1 ở thành thị thấp hơn so với ở nông thôn. Hà Nội là nơi có tỷ lệ người chưa đăng kí cao nhất (31,7%). Kết quả này cho thấy người di cư không có đăng kí thường trú/tạm trú nhiều hơn so với năm 2004 (có tới 96% người có đăng ký hộ khẩu thường trú/tạm trú). Lý do phổ biến nhất mà người di cư chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú với chính quyền là do họ thấy “không cần thiết”, chiếm 44,3% tổng số người di cư chưa đăng ký.
Tuy nhiên, các phỏng vấn sâu cho thấy người di cư vẫn gặp phải những khó khăn do không có đăng ký hộ khẩu thường trú. Ví dụ, việc tiếp cận tới giáo dục của con cái họ, tới các dịch vụ y tế gặp khó khăn nếu không có hộ khẩu thường trú. Vay vốn từ các nguồn chính thức cũng gặp khó khăn, đăng ký xe máy cũng không dễ dàng nếu không có hộ khẩu thường trú. Đồng thời nghiên cứu định tính cũng cho thấy ở nhiều địa phương việc đăng ký thường trú cho cả người di cư đến và di cư quay về gặp nhiều khó khăn do các thủ tục phức tạp. Mặc dù di cư đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình người di cư, những khó khăn với những người ở lại vẫn rất đáng quan tâm. Các phỏng vấn định tính cho thấy những khó khăn đó bao gồm thiếu lao động nên người già và trẻ em phải làm việc trong thời kỳ cao điểm của nhà nông; học hành của con cái thiếu sự quản lý của cha mẹ; gánh nặng công việc đồng áng đè nặng lên vai người phụ nữ khi chồng di cư.