THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

40 năm giấc mơ tàu ngầm Việt Nam

Nếu lịch sử chấp nhận hai chữ “giá như” và trong những năm 1980, Việt Nam không thiếu thốn và khó khăn đến thế, lịch sử tàu ngầm Việt Nam có lẽ đã rẽ sang một hướng khác.

Hiện đại hoá hải quân giữa muôn vàn khó

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, sau năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung Ương đã có chủ trương phát triển lực lượng hải quân. Chúng ta nhìn thấy tiềm năng của biển Việt Nam sau khi thống nhất đất nước với bờ biển dài hơn 3.200 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ.

Hình ảnh tàu ngầm 613, thế hệ tàu ngầm Liên Xô dự kiến chuyển giao cho Việt Nam trong những năm 1980. Ảnh tư liệu.

Dù ta tiếp quản khá nhiều tàu Mỹ thời Việt Nam Cộng Hoà, nhưng hầu hết đều được tàu sản xuất trước năm 1948. Tàu lớn nhất mà sau này gọi là HQ-01 có lượng giãn nước chỉ hơn 3.000 tấn. Các phương tiện khác cũng cũ, nhỏ, hoạt động chủ yếu ven bờ.

Những vũ khí từ Liên Xô đều nhỏ như pháo ven bờ, tàu phóng lôi 30 tấn, tàu săn ngầm 200 tấn... Thời điểm đó, đất nước gần như kiệt quệ sau cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm.

“Ai cũng biết phải phát triển hải quân nhưng lực bất tòng tâm. Kinh tế bao cấp kìm hãm, đến gạo còn thiếu ăn thì nói gì đến pháo hay tàu chiến hiện đại. Mãi đến năm 1995-1996, khi GDP trên 100 tỷ USD, chúng ta mới bắt đầu dám nghĩ đến hiện đại hoá hải quân”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhớ lại.

Thời điểm sau 1975, chúng ta có chương trình phát triển hải quân Việt Nam theo tư duy chiến lược của Liên Xô. Năm 1978, Việt Nam đã ký hiệp ước với Liên Xô, theo đó, Liên Xô có quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh trong 25 năm.

Đổi lại, Liên Xô trang bị cho Việt Nam một số vũ khí như tàu hộ vệ săn ngầm, tàu đổ bộ xe tăng, tàu quét mìn biển và sông, tàu phóng lôi, tàu tên lửa, 4 máy bay thuỷ phi cơ, 2 tàu ngầm 613. Bên cạnh đó, họ cũng hỗ trợ đào tạo sĩ quan và nhân viên trên các kíp tàu.

“Việt Nam lúc đó không có một xu nào để mua. Số vũ khí đó có thể coi là tiền Liên Xô trả để thuê quân cảng Cam Ranh”, ông Lâm chia sẻ.

Hải đội tàu ngầm đầu tiên

Tháng 1/1982, Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập đoàn công tác đi các đơn vị của hải quân ở miền Bắc, tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ cho khung tàu ngầm đầu tiên để chuẩn bị đi sang Liên Xô huấn luyện.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1982, gần 100 cán bộ, chiến sĩ được sơ tuyển sức khỏe đợt 1 tập trung tại Đoàn an dưỡng Hải quân đóng tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) để kiểm tra sức khỏe đợt 2. Đợt này chủ yếu tập trung kiểm tra cao áp và tiền đình.

Những thành viên của khung tàu đầu tiên. Bức ảnh được chụp vào m ùa hè năm 1984 tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Hạm đội Baltic tại thành phố Riga của Latvia (Liên Xô). Ảnh tư liệu.

Ngày 1/6/1982, Tư lệnh Hải quân khi đó, Chuẩn tướng Đoàn Bá Khánh ký quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh là "Đoàn 682", trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân (tiền thân của Hải đội 182 sau này).

Ban chỉ huy lâm thời Đoàn 682 gồm: đoàn trưởng Phạm Tân, đoàn phó chính trị Nguyễn Thiện Toản. Nhiệm vụ của những người được chọn là bồi dưỡng sức khoẻ, rèn luyện thể lực, học tiếng Nga để sẵn sàng đi huấn luyện.

Thuyền trưởng khung tàu ngầm 1 Phạm Tân, cũng là một trong những người tham gia tuyển chọn, nhớ lại trong số 6.000 người khám tuyển, chỉ chọn được 120 người. Đến tháng 5/1982, khi chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra đợt 2, 40 người bị loại. Hầu như không một chiến sĩ nào biết được mình sẽ tham gia vào lực lượng nào. Tuy nhiên, những người được chọn đều là những gương mặt xuất sắc nhất trong toàn quân chủng. 

Ông Nguyễn Thiện Toản, thuyền phó chính trị, nói: “Các sĩ quan đa phần đều được đào tạo từ Liên Xô về. Chiến sĩ đều chọn người tốt nghiệp lớp 10/10, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi ý thức chính trị tốt”.

Tháng 8/1982, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định chuyển vị trí đóng quân của Đoàn 682 về Hà Tê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Đơn vị tiếp quản một phần doanh trại của Đoàn 681 Đặc công Hải quân.

Tháng 6/1984, Chuẩn Đô đốc Giáp Văn Cương (Tư lệnh Hải quân), đã ký quyết định thành lập Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam với phiên hiệu là Hải đội 182 trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân với ba thành phần: Cơ quan Hải đội, Khung tàu ngầm 1, Trạm nổi.

Hải đội trưởng lúc đó là đồng chí Trần Quang Khuê (Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam). Không nhiều người biết rằng, trong dòng chảy lịch sử đầy biến động ấy, có một ngày được gọi là ngày truyền thống của Hải đội tàu ngầm Hải quân Việt Nam, ngày 1/6.

Tháng 7/1984, khung tàu ngầm đầu tiên lên đường đi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại Riga thuộc nước Cộng hòa Latvia (Liên Xô). Khi đó trong nước vẫn tiếp tục tuyển chọn khung tàu 2. Đến năm 1985, đội ngũ khung tàu thứ 2 cũng có mặt ở Riga tiếp tục công cuộc học tập.

Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga là một trong số trung tâm hàng đầu trên thế giới lúc đó. Hầu hết các nước khối Xã hội chủ nghĩa đều cử kíp tàu của mình đến đây, kể cả các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng tàu ngầm lúc ấy như Ba Lan, CHDC Đức, Rumani….

Theo Zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh