CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:25

Hơn 3.800 chỉ tiêu việc làm dành cho người lao động

Ngay từ đầu giờ sáng, rất đông người lao động đã đổ về sàn dịch việc làm Hà Nội. Có mặt từ rất sớm, chị Lưu Thị Hằng (38 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, chị đang làm việc ở một doanh nghiệp cổ phần ở Hà Nội thì mấy tháng trước công ty đề nghị chị chuyển về Thái Bình làm việc. Do đang đang sống cùng gia đình Hà Nội nên chị buộc phải xin nghỉ việc và đi tìm một công việc mới sau Tết. “Trước đây mình làm văn thư lưu trữ, công việc hành chính nên giờ cũng đang đi tìm một công việc mới. Vừa tìm hiểu, cũng có một vài vị trí phù hợp nên đang ngồi đợi phỏng vấn, chỉ mong tìm được một công việc tương tự như trước với mức lương 7-8 triệu là ổn”.

Ngồi gần đó, Phạm Tiến quang Kỳ (25 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, do đang đi học và ở nhờ nhà người quen nên Quang tìm một công việc để có thể trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. “Trước em cũng đã làm một vài chỗ, đều là công việc phổ thông như làm nghề mộc, giờ em cũng đang tìm một công việc tương tự để có thể tự lo cho bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình” - Quang cho biết.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (giữa) cùng lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và Cục Việc làm bấm nút khai mạc Sàn giao dịch


Về phía các nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Thúy Phương -  Phó trưởng phòng Tuyển dụng Tập đoàn FLC cho biết, đến với Sàn giao dịch việc làm lần này FLC là tập đoàn đa ngành nghề với rất nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch, quản lý khách sạn nên nhu cầu tuyển lao động khá lớn. “Tới đây, FLC có khoảng 230 dự án đang được triển khai trên tất cả các tỉnh, thành nên thu hút rất nhiều lao động, tuyển rất nhiều vị trí ở Hà Nội và các địa bàn nơi FLC đang triển khai các dự án. Đến Sàn giao dịch hôm nay, FLC dự định tuyển tại địa bàn Hà Nội hơn 100 ứng viên, còn toàn bộ các dự án thì FLC cũng đang thu hút khoảng hơn 1000 lao động với rất nhiều vị trí từ lao động phổ thông đến quản trị kinh doanh, chăm sóc khách hàng, sự kiện và nhân viên marketing, an ninh, bảo vệ…”, chị Phương thông tin.

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động đảm bảo tham gia vào thị trường lao động một cách công khai và minh bạch, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những giải pháp đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

“Tham dự phiên giao dịch việc làm hôm nay có 137 đơn vị đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng là 3.843, tổng nhu cầu tuyển sinh 200. Riêng tại hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 73 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 1.206 chỉ tiêu tuyển dụng và 100 chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là các bạn thanh niên, sinh viên khi được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động, được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân. Ngoài ra được tham gia tư vấn về việc làm và đặc biệt được tham gia chương trình tọa đàm, tư vấn về kỹ năng tìm việc và kỹ năng tham dự phỏng vấn...”, ông Nguyễn Hồng Dân thông tin.

 

Người lao động tham gia phỏng vấn xin việc tại Sàn giao dịch việc làm


Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong bối cảnh, chúng ta đang chứng kiến những xu hướng thay đổi mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, xu hướng sản xuất, thương mại với các chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng biến đối khí hậu... thì việc phát triển thị trường lao động, tổ chức kết nối cung – cầu lao động, gắn kết đào tạo với thị trường lao động là hết sức cần thiết. Ông Tào Bằng Huy cho biết, Bộ LĐ-TB&XH xác định năm 2019 là một năm phát triển toàn diện, đặc biệt là tạo sự đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động phát triển đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: tạo việc làm có chất lượng cho người lao động; tạo sự dịch chuyển lớn lao động từ phi chính thức sang chính thức; giảm tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp.

“Đột phá phát triển thị trường lao động để tạo ra sự đồng bộ giữa kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, gắn kết đào tạo với thị trường lao động, đồng thời gắn kết giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển dịch cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” - ông Huy nhấn mạnh và cho rằng, để thực hiện được những đột phá về phát triển thị trường lao động, các Sở LĐ-TB&XH thuộc các tỉnh, thành phố, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kết nối cung – cầu lao động, giúp đỡ cho người lao động có điều kiện nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật và tiếp cận việc làm bền vững.

CHÂU GIANG - QUANG DƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh