CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:16

Hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan Di sản Huế

Lượng khách đến với Di sản Huế trong năm 2018 đạt hơn 3,5 triệu lượt


Năm 2018 Thừa Thiên - Huế đón đạt hơn 4,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 14%, trong đó khách quốc tế tăng 30% so với năm trước. Doanh thu từ du lịch đạt 4.473 tỷ đồng, tăng 27,1% so với năm 2017. Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế tiếp tục được bình chọn nằm trong top đầu các điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam.

Riêng Quần thể Di tích Cố đô Huế, theo ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm HMCC, năm 2018 đã có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan Di sản Huế, trong đó: khách quốc tế đạt 2,227 triệu lượt, tăng 25,61% so với năm 2017. Kết quả thu về hơn 381 tỷ đồng từ tiền bán vé, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra từ đầu năm hơn 19%.

Cũng theo ông Hải, đến nay hầu hết các hoạt động dịch vụ trên địa bàn di tích Huế đều tổ chức triển khai theo hướng xã hội hóa hoặc thực hiện liên doanh liên kết. Hiện tại đã thu hút được 35 hợp đồng kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích Huế, với nhiều hoạt động dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu du khách khi đến tham quan di tích Huế.

Năm 2019 tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón từ 4,5- 4,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 40- 45%, tăng khoảng 7%. Doanh thu du lịch toàn tỉnh dự kiến đạt từ 4.700 - 4.900 tỷ đồng. Trọng tâm trong kế hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2019 vẫn sẽ là khai thác hiệu quả Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến nhiều thị trường trọng điểm; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ liên quan,… Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng công tác trùng tu, bảo tồn, phục hồi Di sản Huế, trong đó quan trọng nhất là thực hiện Đề án di dời 4.200 hộ dân trong khu vực 1 Kinh Thành Huế.

Ông Hải cho biết, trong năm 2019, Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu di dời 600 hộ trên tổng số hơn 4.200 hộ dân khu vực 1 Kinh Thành Huế. “Dự kiến đến khoảnh tháng 9/2019 sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng phục vụ di dời, tái định cư cho người dân. Đến khoảng tháng 12 cùng năm sẽ bắt đầu thực hiện di dời. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, nhưng cả tỉnh đang rất quyết tâm”, ông Hải Khẳng định.

 

Huế muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng 6 sao gần Đại Nội 

 Ông Phan Thanh Hải cho biết, nhằm phục vụ du khách tốt hơn, trong thời gian tới, bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ du lịch đã và đang khai thác, Trung tâm HMCC sẽ triển khai thực hiện dự án dịch vụ audio -guide tại hầu hết các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đây sẽ là dịch vụ du lịch thuận lợi đối với du khách. 

Mặt khác, để tăng số lượng du khách đến với Thừa Thiên Huế nói chung, Di sản Huế nói riêng, thời gian tới tỉnh sẽ tiến hành liên kết với các địa phương lân cận, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình,…trong việc phát triển du lịch. Thúc đẩy hoàn thành, xây dựng một số dự án du lịch mới, trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng Thái Y Viện ở số 26 đường Đặng Dung (TP. Huế) của Công ty Đại Nam Thái Y Viện...

Đặc biệt là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Nama ở đường Nguyễn Chí Diễu, khi hoàn thiện sẽ là các dự án du lịch đẳng cấp 6 sao đầu tiên của Huế. Ông Hải cho biết, theo thiết kế, dự án được xây dựng theo mô hình khu du lịch sinh thái phù hợp, hài hòa với khu vực Đại Nội. Nhà đầu tư dự kiến xây dựng 18 phòng nghỉ cao cấp, tiêu chuẩn 6 sao.

Cũng theo ông Hải, vị trí xây dựng nằm phía trước khu vực di tích Lục Bộ và trước đây từng là khu vực giảng dạy. Cách đây 10 năm, Trung tâm HMCC đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khảo cổ học và kết quả cho thấy các dấu tích di tích trong lòng đất rất mờ nhạt, không đủ đế phản ánh các công trình kiến trúc ngày xưa. Ông Hải cho biết thêm, Bộ VH – TT&DL đã có văn bản thống nhất về dự án này. Tuy nhiên cái khó hiện nay trong việc triển khai dự án là do sự thay đổi liên tục về chủ sở hữu cũng như vướng theo quy định bảo vệ di tích hạng đặc biệt.

Được biết, trước đây khu đất này do Tỉnh đội Thừa Thiên Huế quản lý. Sau đó Tỉnh ủy giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang quản lý. Mới đây, đơn vị này đã bán phần lớn cổ phần của mình, trong đó có khu đất trên cho Tập đoàn Bitexco. Hiện nay, khu đất lại được chuyển quyền sở hữu của Công ty Kinh Thành do một tỷ phú người Nhật Bản đứng đầu và vị tỷ phú này rất mong muốn được triển khai dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Nama.

“Cái khó nhất khi triển khai xây dựng dự án là họ muốn giao quyền thuê đất cho họ. Theo quy định hiện nay ít nhất là 49 năm. Tuy nhiên, theo khoanh vùng bảo vệ di tích thì đây lại thuộc đất khu vực 1 di tích. Do đó, UBND tỉnh đang giao nhiệm vụ cho chúng tôi điều chỉnh để khu đất này không phải là đất khu vực 1 di tích thì mới giao được”, ông Hải cho biết.

“Phương án kiến trúc của họ đưa ra chúng tôi cho là phù hợp. Nếu chúng ta để một khu đất không, không làm gì thì rất là lãng phí. Trong khi biến nó thành một khu dịch vụ phù hợp, kiến trúc hài hòa với khu vực Đại Nội, lại khai thác được dịch vụ hiệu quả thì chúng tôi cho rằng nên cho phép”, ông Hải phân tích.



THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh