CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở điểm công cộng nơi họ sống

Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội thảo.

Phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối cao gấp 2,6 lần nam giới và trẻ em trai

Khảo sát được thực hiện từ ngày 9/6/2023-23/6/2023 theo hình thức trực tuyến với 4.570 người tham gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 73,0%; nam giới và trẻ em trai chiếm 25,2%; người LGBTI tham gia khảo sát chiếm 1,4%.

Kết quả khảo sát cho thấy 87,6% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát cảm thấy an toàn khi đi lại ở nơi công cộng. So với cuộc khảo sát năm 2021, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy an toàn khi đi lại nơi công cộng có xu hướng tăng từ 77,1% năm 2021 lên 87,6% năm 2023. Tuy nhiên vẫn còn 12,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn khi đi lại nơi công cộng và chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi và nông thôn. Cụ thể có 18,5% phụ nữ và trẻ em gái sống ở khu vực miền núi và nông thôn cảm thấy không an toàn khi đi lại nơi công cộng; trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 10,6% và khu vực hải đảo là 5,6%. Nguyên nhân phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn là do sợ bị cướp giật, trộm cắp, tai nạn, bị xâm hại, quấy rối tình dục và sợ bị bắt cóc.

Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái sợ bị sợ bị xâm hại, quấy rối tình dục là 44,3% cao gấp 1,8 lần so với nam giới và trẻ em trai. Còn tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái sợ bị bắt cóc là 23,7% cao gấp 1,6 lần so với nam giới và trẻ em trai.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy hơn 90% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (tăng 16,3 điểm phần trăm so với năm 2021 (73,7%). Tuy nhiên vẫn còn 9,9% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn khi sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng. Trong đó nữ thanh niên từ 18 đến dưới 30 tuổi và phụ nữ, trẻ em gái sống ở khu vực miền núi là hai nhóm cảm thấy không an toàn khi sử dụng phương tiện công cộng cao nhất. 

Xe khách, xe đò là phương tiện giao thông công cộng mà phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn nhất chiếm 77,1%; tiếp đến xe buýt là 59,8% và xe ôm là 46,9%. Có tới 59,2% phụ nữ và trẻ em gái cho rằng có thể xảy ra nguy cơ bị quấy rối/trêu ghẹo/bạo lực trên các phương tiện giao thông công cộng cao gấp 2,6 lần nam giới và trẻ em trai.

Khảo sát cũng cho thấy có tới hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số điểm công cộng nơi họ sống. Ba điểm công cộng mà phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn nhất là bến xe, bến tàu, bến phà, nhà chờ xe buýt, chiếm tỷ lệ 60,9%; tiếp đến là nhà vệ sinh công cộng (43,6%) và cuối cùng là đường phố, vỉa hè (38,2%). Các địa điểm này là nơi dễ xảy ra nguy cơ bị trộm cắp, bị quấy rối, trêu ghẹo và nguy cơ tai nạn.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

29,7% nạn nhân quấy rối tình dục nơi công cộng chọn cách im lặng, chịu đựng

Có tới 18,8% người tham gia khảo sát cho biết từng bị hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng hoặc trên các phương tiện công cộng. Trong đó ba hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em gái phổ biến nhất là bị người khác phô bày bộ phận sinh dục, bị nhìm chằm chằm vào cơ thể, bị sở mó, đụng chạm một cách cố ý. Đường phố, vỉa hè, công viên, sân chơi, xe buýt và phương tiện công cộng là những địa điểm xảy ra quấy rối tình dục nhiều nhất. Phần lớn thủ phạm gây ra các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng là nam giới chiếm tỷ lệ 92,3%. Phản ứng phổ biến của các nạn nhân là tìm sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc bỏ đi. Tuy nhiên vẫn có tới 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục của thủ phạm. Đáng chú ý, khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ thì có tới 2,7% phản ứng bằng cách “đổ lỗi cho nạn nhân”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án/Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thí điểm một số mô hình, trong đó có mô hình Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái, để trên cơ sở đó, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.

Để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc cho nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung và mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ nói riêng một cách hiệu quả, Vụ Bình đẳng giới đã phối hợp với Plan International Việt Nam tổ chức khảo sát trực tuyến về vấn đề an toàn với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng trong 2 năm 2022 và 2023. Cuộc khảo sát này tập trung tìm hiểu về thực trạng an toàn nơi công cộng; vấn đề quấy rối tình dục tại nơi công cộng và tìm kiếm sự trợ giúp của nạn nhân bị bạo lực, quấy rối nơi công cộng.

Kết quả thu được từ cuộc khảo sát cho thấy, vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở nơi cộng cộng đã có những cải thiện tích cực hơn thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi vào cụ thể một vài khía cạnh cho thấy, các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc đảm bảo an toàn cho người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng khi tham gia vào các hoạt động ở nơi công cộng.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh